Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ điểm "nghẽn", khơi thông vận tải thủy cho ĐBSCL

Giang Lam - Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án nạo vét luồng hàng hải Định An-Cần Thơ được kỳ vọng là vận hội mới cho cả ĐBSCL. Bởi khi con đường "tơ lụa" này được khơi thông, hàng hóa toàn vùng sẽ thông suốt, đi trực tiếp ra thế giới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Điểm "nghẽn" của giao thủy ĐBSCL

Vùng ÐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết tất cả các địa phương trong vùng, có lợi thế rất lớn cho vận tải công suất lớn bằng đường thủy. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng hoá của vùng ĐBSCL đang gặp phải nhiều điểm nghẽn trên đường ra thế giới.

Theo các chuyên gia, 70% hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL thời gian qua phải vận chuyển đường bộ để tới các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, làm tăng thêm chí phí vận tải vào giá thành sản phẩm. Đây chính là điểm nghẽn nhiều năm nay, cản trở sự phát triển của vùng.

Việc nạo vét luồng sông Hậu để cho tàu công suất 20.000 tấn lưu thông là vấn đề cấp bách nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics ở miền Tây. (Ảnh: Giang Lam).
Việc nạo vét luồng sông Hậu để cho tàu công suất 20.000 tấn lưu thông là vấn đề cấp bách nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics ở miền Tây. (Ảnh: Giang Lam).

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc mở tuyến vận tải biển từ các cảng miền ĐBSCL sẽ khơi thông luồng hàng giúp sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đi trực tiếp ra thế giới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Tại buổi làm việc với Thành ủy Cần Thơ gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, sông Hậu và các cảng ở ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Trong nhiều chục năm qua, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương nghiên cứu các phương án nạo vét, chỉnh trị luồng sông Hậu.

Tuy nhiên, luồng sông Hậu có đặc điểm phía bên trong thì rất sâu nhưng phía ngoài cửa thì cạn, đây là điểm nghẽn. Chính vì thế, Bộ GTVT đã chỉ đạo và có nhiều tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu các giải pháp nạo vét, đảm bảo ổn định, độ sâu, đáp ứng cho tàu nhiều kích thước khác nhau.

Để mở tuyến đường thủy đủ tầm cho ĐBSCL vươn ra biển lớn, năm 2009, Bộ GTVT kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội cho phép triển khai dự án đào tuyến luồng kênh Quan Chánh Bố. Để duy trì thông luồng kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu, hằng năm Bộ GTVT đã rót 350 tỷ đồng để duy tu, nạo vét, đảm bảo đủ độ sâu cần thiết cho tàu chạy. Đây cũng là giải pháp “chưa thể thay thế” trong thời gian tới, khi tình trạng bồi lắng còn tiếp diễn.

Gỡ điểm "nghẽn", khơi thông vận tải thủy cho ĐBSCL - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, các luồng vào sông Hậu đang chưa phát huy hiệu quả dù đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều năm. Trước đây, luồng Quan Chánh Bố được kỳ vọng rất lớn với dự báo ít bồi lắng, nhưng sau đầu tư, hiện nay, theo đánh giá, tình trạng bồi lắng hai đầu kênh Quan Chánh Bố thậm chí còn nhanh hơn cửa Định An.

Để giải quyết thực trạng trên, dự án đầu tư luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng được khởi công vào cuối tháng 12/2021. Dự án gồm nhiều hạng mục như: thi công xây dựng đường ven kênh Tắt và cầu Kênh Xáng; xây dựng kè bảo vệ bờ; khu tránh tàu; nhà trạm quản lý luồng…

Kỳ vọng vào dự án nạo vét luồng Định An – Cần Thơ

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, một hướng khác vào cảng Cần Thơ là theo luồng Định An. Trong Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có nội dung thực hiện nạo vét luồng hàng hải kết hợp tận thu sản phẩm.

Tuy nhiên, TP chưa từng thực hiện báo cáo nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến nạo vét luồng hàng hải trên địa bàn nên còn gặp nhiều khó khăn, kiến nghị Bộ GTVT chủ trì hỗ trợ, hướng dẫn. TP Cần Thơ mong muốn lựa chọn được nhà đầu tư, đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo kết quả nghiên cứu dự án có căn cứ khoa học, thực tiễn, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Được biết, TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương cho 9 nhà đầu tư được tiếp cận các thông tin cần thiết để thực hiện nghiên cứu dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Vừa qua, Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phầm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Qua nội dung thống nhất tại cuộc họp, dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa theo hướng sẽ phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện nạo vét trong vùng nước cảng biển.

Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các Bộ liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết giao UBND TP Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đối với dự án này, cần phải bắt tay vào làm. Việc của bộ, ngành, cơ quan nào thì phải thực hiện, Quốc hội sẽ giám sát.  Căn cứ vào tình hình thực tế, tiếp tục rà soát, chủ động giải quyết những điểm nghẽn thuộc thẩm quyền, phối hợp với Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn mà địa phương không giải quyết được.

 

Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, dự kiến có chiều dài khoảng 30km, bề rộng luồng 200m, độ sâu dưới 6,5m đủ để cho phép tàu biển tải trọng 10 nghìn tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần Thơ và các cảng khác trong khu vực, nhằm phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất các cảng vận chuyển trong khu vực. Một trong những phương án để thực hiện dự án hiện nay là xã hội hóa nguồn vốn..