Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho nông nghiệp công nghệ cao

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao giá trị ngành hàng nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được xem là xu thế tất yếu.

Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại về định hướng phát triển nông nghiệp CNC của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Tiềm năng rộng mở

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp mà Hà Nội đã đạt được thời gian qua?

- TP Hà Nội nhận thức rất rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ năm 2013 đến nay, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Có thể kể tới là Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các DN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND của HĐND TP về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 - 2020; Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chính sách đối với chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016 - 2020… Cùng với đó, Hà Nội cũng tích cực triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NĐ-CP và Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng CNC…

Việc triển khai các chính sách nêu trên góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hà Nội, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với yêu cầu thị trường. Đến nay, tỷ lệ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt khoảng 25%. Nhìn chung, các mô hình ứng dụng CNC cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 - 28%. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tiếp tục cải thiện đời sống cho người nông dân.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 của Hà Nội là nâng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC lên mức 35%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông, TP cần có chính sách đầu tư như thế nào?

- Cụ thể hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp CNC, hai năm qua, Hà Nội đã từng bước triển khai xây dựng, tiến tới đưa vào hoạt động một loạt trung tâm nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Có thể kể tới như Trung tâm Giống thủy sản CNC (huyện Chương Mỹ); Trạm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng CNC (huyện Thường Tín); Trạm thụ tinh nhân tạo, sản xuất tinh bò chất lượng cao, tinh bò phân ly giới tính và tinh dịch lợn cao sản (huyện Gia Lâm)… Đây là tiền đề quan trọng để CNC dần đi vào thực tế sản xuất.

Thực hiện Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND TP cũng đã rà soát, lập và trình Bộ NN&PTNT bổ sung vào quy hoạch 7 khu nông nghiệp CNC gồm: 4 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại thị xã Sơn Tây và các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Đan Phượng; Khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng CNC (quận Hà Đông); Khu nghiên cứu và phát triển giống cây trồng CNC (huyện Đan Phượng); Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (huyện Phúc Thọ). Những trung tâm sáng tạo này sau khi được quy hoạch, sẽ góp phần quan trọng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực vốn nhiều rủi ro này.

Song song với sản xuất, để tạo điều kiện về đầu ra cho nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan liên quan đang đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp, trong năm 2018, sẽ thực hiện đối với nhãn chín muộn và bưởi Diễn. Hà Nội hiện cũng đã có DN nông nghiệp CNC đầu tiên được công nhận, đó là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (chuyên sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản tại huyện Mỹ Đức). Đây là mô hình tiêu biểu, thành công nhờ có sự liên kết “4 nhà” mà trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục khuyến khích các địa phương nhân rộng.

Tích tụ đất đai là rào cản lớn

Dù đã đạt được những bước đi đầu tiên khá vững chắc, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển nông nghiệp CNC chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Hà Nội. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Hà Nội hiện có khoảng 3,8 triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác của các hộ chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Hạ tầng sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nền nông nghiệp CNC. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế… Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC là thiếu quỹ đất.

Tích tụ ruộng đất vẫn là rào cản đối với việc thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào phát triển nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với các lĩnh vực khác cũng khiến nhiều DN chưa mặn mà. Thực tế, trong tổng số khoảng 4.000 DN cả nước đang đầu tư vào nông nghiệp lĩnh vực, số đơn vị của Hà Nội không nhiều, số DN có ứng dụng CNC vào sản xuất lại càng ít hơn.

Tích tụ đất đai là yếu tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp CNC. Vậy, TP đã có những giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này, thưa ông?

- Trong phát triển nông nghiệp CNC, chủ trương của Hà Nội là hạn chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Thay vào đó, sẽ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách cụ thể, trong đó nổi cộm là giải pháp tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất. Vấn đề này cũng đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Đây là cơ sở để Hà Nội triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã xây dựng đề án thí điểm tích tụ đất đai. Hiện, đề án đang được TP xem xét. Khi được phê duyệt, đề án sẽ giúp cụ thể hóa các bước đi cho phát triển nông nghiệp CNC sau công tác dồn điền đổi thửa mà Hà Nội đã triển khai rất thành công.

Xin cảm ơn ông!

Bên cạnh rà soát, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, Hà Nội cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cho các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt gây mất cân bằng cung cầu thị trường. Song song với đó, đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, huy động được đa dạng nguồn lực cho nông nghiệp CNC.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
Thị trường là yếu tố tác động trực tiếp đến nền tảng phát triển nông nghiệp CNC. Làm thế nào để sản phẩm bán ra được người dân nhận biết đúng và sẵn sàng chi trả cho tiêu dùng nông sản an toàn, từ đó giúp DN sống được là câu chuyện gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan quản lý. 
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam