Với nhiệm vụ thực hiện tống đạt các văn bản, giấy tờ của tòa án hoặc cơ quan THA dân sự, tổ chức THA, quyết định của cơ quan THA…, các văn phòng TPL giúp “giảm tải” cho các cơ quan tòa án và THA, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, đến nay, kết quả hoạt động của các văn phòng TPL vẫn mới chỉ chủ yếu là lập vi bằng, còn xác minh điều kiện THA và tổ chức THA chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.
Còn nhiều vướng mắc
Tính đến nay, UBND TP đã cấp phép thành lập 8 văn phòng TPL theo Đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho các văn phòng. Kết quả sau 9 tháng hoạt động, 8 văn phòng TPL của Hà Nội đã thu được những kết quả: Lập được 752 vi bằng; tống đạt hơn 2.710 văn bản của tòa án, 2.422 văn bản của cơ quan THA dân sự. Tuy nhiên, mới chỉ xác minh điều kiện THA 39/49 vụ; tổ chức THA được 7/14 vụ.
Theo bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, các văn phòng thực hiện thí điểm chế định TPL đã gặp phải không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là người dân, thậm chí nhiều cán bộ cơ quan Nhà nước cũng vẫn còn lạ lẫm với chế định này. “Về phía người dân, không thể phủ nhận đa số vẫn có suy nghĩ dịch vụ pháp lý từ các cơ quan công quyền đáng tin cậy hơn mà chưa có thói quen sử dụng dịch vụ từ các văn phòng TPL” - bà Hương cho biết.
Theo chia sẻ của đại diện các văn phòng TPL, không ít trường hợp chính quyền, công an xã, phường, tổ trưởng dân phố chưa nắm được thông tin về chế định TPL nên chưa tích cực hợp tác, từ chối yêu cầu xác minh thông tin của TPL hoặc mất rất nhiều thời gian mới cung cấp kết quả chính thức. “Có trường hợp khi tôi đến liên hệ làm việc với văn phòng đăng ký đất và nhà ở để xác minh điều kiện THA, văn phòng này hoàn toàn không hề biết gì về chế định TPL, không hợp tác trong việc cung cấp thông tin và yêu cầu chúng tôi phải xuất trình hồ sơ pháp lý để kiểm tra” - một nhân viên văn phòng TPL cho biết.
Tạo cơ chế phối hợp
Để có hướng cởi gỡ những vướng mắc cho các văn phòng TPL, ngay ngày đầu năm mới 2015, UBND TP đã ra Chỉ thị về nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như nhiều người dân, cán bộ, công chức vẫn chưa biết, hiểu về chế định TPL; một số cơ quan tư pháp, UBND quận, huyện, xã, phường chưa kịp thời phối hợp, hỗ trợ cho TPL thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến kết quả hoạt động của các văn phòng TPL chưa đồng đều, chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt văn bản, còn việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục những vướng mắc này, Chỉ thị của UBND TP đã tạo ra cơ chế phối hợp, cụ thể bằng văn bản, yêu cầu các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu cho các văn phòng TPL, đảm bảo việc thực hiện thí điểm TPL thuận lợi hơn. Sở Tư pháp sẽ là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của TPL, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ… Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan trực tiếp như Cục THA dân sự, cơ quan THA dân sự phối hợp, hỗ trợ cho TPL thực hiện các công việc về THA dân sự. Đặc biệt, văn bản của UBND TP cũng yêu cầu các sở, ngành như Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở GTVT… cùng hợp tác, cung cấp các số liệu cần thiết, thông tin liên quan (thông tin về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản, số liệu về đăng ký kinh doanh…) cho chấp hành viên theo quy định. Điều này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc nỗ lực đưa chế định TPL gần hơn với người dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động TPL.
Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, Hà Nội.
|