Gỡ khó tiêu thụ lúa gạo cho Đồng bằng sông Cửu Long

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hàng loạt khó khăn được đề cập cùng nhiều kiến nghị giải pháp tháo gỡ...

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ Hè Thu 2021, địa phương xuống giống trên 76.600ha, trong đó, đã thu hoạch trên 45.200ha, năng suất ước đạt 6,3 tấn/ha; còn lại hơn 31.300ha sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 9. Diện tích lúa được DN bao tiêu đạt khoảng trên 10.900ha.
Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam 
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá lúa đã giảm từ 200 - 300 đồng/kg. Hậu Giang cũng đã xuống giống được gần 25.000ha lúa vụ Thu Đông, đạt 67% kế hoạch (36.600ha)…
“Tỉnh đã thực nhiều biện pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Nhưng hiện nay vật tư đầu vào có chiều hướng gia tăng, như phân bón tăng trên 50%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 20 - 30%, gây khó cho bà con nông dân”,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang tiếp tục thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2021, và chuẩn bị thu hoạch 250.000ha vụ lúa Thu Đông sớm trong tháng 9 và tháng 10/2021.
Sản lượng lúa từ nay đến cuối năm có chiều hướng tốt. Tuy nhiên, do vấn đề ách tắc lưu thông đã khiến giá lúa gạo thời gian gần đây có biến động giảm mạnh, cộng với tình hình dịch bệnh làm tâm lý người nông dân băn khoăn, không biết có nên tiếp tục xuống giống hay không, sản xuất rồi bán ở đâu trong mùa dịch này, nhất là khi vật tư đầu vào đã có sự tăng giá đột biến...
“Hiện nay, theo báo cáo, giá phân bón tăng rất cao, một số loại sản xuất trong nước đã tăng 78% so với tháng 1/2021. Giá tăng quá cao như vậy, làm sao nông dân chịu đựng nổi…” - ông Trần Thanh Nam nói và cho biết, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng vọt thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn cho người nông dân.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khi thực hiện Chỉ thị 16, các DN xay xát phải áp dụng “3 tại chỗ”, hiện chỉ có 49/239 DN hoạt động (chiếm khoảng 20,5%), ảnh hướng lớn đến tiêu thụ...
Ông Huỳnh Minh Tuấn đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế, dựa trên tinh thần các tỉnh, thành và DN báo cáo về Bộ NN&PTNT để có chính sách phù hợp.
Đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu; có giải pháp cụ thể giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Ngân hàng Nhà nước sớm kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để DN, hợp tác xã, nông dân tiếp cận nguồn vốn này. Từ đó, duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.
Nông dân vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Giang Lam 
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, ngoài giải quyết khó khăn trước mắt là thu mua lúa cho nông dân, cần tính đến giải phóng hàng tồn kho cho DN. Về tín dụng cho DN, có thể thực hiện cơ chế lấy tài sản là lúa làm tài sản đảm bảo…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành hàng lúa gạo đang gặp khó khăn, đồng nghĩa với hàng chục triệu hộ nông dân đang gặp khó. Vì vậy, trong thời điểm này, hỗ trợ DN cũng chính là hỗ trợ nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo các địa phương nắm thông tin kịp thời, thường xuyên trao đổi, tháo gỡ khó khăn về lưu thông hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, đặc biệt tại cấp xã, huyện.
“Lãnh đạo địa phương, DN cùng ngồi lại với ngân hàng để có sự trao đổi, vào cuộc mạnh mẽ hơn. Các DN phải chủ động hơn một bước nữa, chia sẻ thêm và tăng trách nhiệm với cộng đồng, nông dân” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị.
Trước đó, ngày 6/8, trong công văn gửi các tỉnh/thành vùng ĐBSCL về việc hỗ trợ tiêu thụ lúa Hè Thu 2021 trên địa bàn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nay 19 tỉnh, thành phía Nam cũng áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành theo Chỉ thị 16. Tình hình thu mua, sản xuất và chế biến lúa gạo của ngành lương thực nói chung theo đó cũng phải chịu ảnh hưởng rất lớn.
Nhằm phối hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho hoạt động tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong dân giữa tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, VFA đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ cho khối DN ngành lương thực, trong việc kết nối vùng sản xuất và đảm bảo khâu vận chuyển lúa tươi từ đồng về nhà máy sấy được kịp thời trên những địa bàn sản xuất lúa của địa phương.
VFA cũng đề nghị các tỉnh/thành ĐBSCL hỗ trợ tổng hợp và thông tin cho VFA về khoảng thời gian thu hoạch của các vùng trồng lúa thuộc từng địa phương. VFA sẽ thông báo kịp thời đến các thương nhân xuất khẩu gạo ở từng địa phương, qua đó thương nhân nào có nhu cầu sẽ cùng tham gia tiêu thụ trực tiếp lúa hàng hóa vụ Hè Thu 2021 cho bà con nông dân, góp phần cùng địa phương vượt qua khó khăn…