Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó trong quản lý an toàn thực phẩm

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thời gian qua của ngành NN&PTNT Hà Nội cho thấy an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn là nỗi lo lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền gắn với xử phạt nghiêm vi phạm và hoàn thiện quy định quản lý sẽ là những giải pháp giúp ngăn nguy cơ mất ATTP.

Phát hiện nhiều cơ sở vi phạm

Triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024, Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác ATTP của 7 quận, huyện, thị xã kiểm tra thực tế tại 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn

Huyện Ba Vì là địa bàn có số lượng cơ sở thực phẩm lớn, đa số là cơ sở nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ nên khó khăn trong công tác quản lý. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, huyện đã kiểm tra, giám sát 106 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở vi phạm, xử phạt 15 triệu đồng.

Kiểm tra thực tế tại Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội ghi nhận hợp tác xã chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo.

Hồ sơ này bao gồm giấy khám sức khỏe, thông tin nguồn gốc nguyên liệu, bao bì, bản tự công bố sản phẩm sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, trần, tường khu sản xuất đã có dấu hiệu xuống cấp…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Vũ Văn Dũng cho biết, trên cơ sở kiểm tra thực tế, Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội đã chuyển Ban chỉ đạo công tác ATTP các địa phương tiếp nhận kết quả, tiếp tục làm việc với các cơ sở để hoàn thiện hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định.

Nhưng đáng lo ngại hơn, trước đó các quận, huyện, thị xã đều thành lập các đoàn liên ngành tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn, thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp.

Kết quả cho thấy, tại mỗi địa phương đều ghi nhận hàng chục cơ sở được xác định có vi phạm ở những mức độ khác nhau. Thậm chí tại một số địa phương, số cơ sở vi phạm chiếm đến gần 10% tổng số cơ sở được giám sát.

Khó khăn, vướng mắc của địa phương

Trên thực tế, công tác quản lý ATTP hiện nay tại hầu hết các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đầu tiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển là bởi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, nên việc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật còn hạn chế.

“Một số cơ sở hoạt động theo mùa vụ hoặc hoạt động kém hiệu quả, không thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý…” - ông Nguyễn Trọng Khiển nói thêm.

Trong khi đó, Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, hàng hóa thực phẩm ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã; nhiều hàng hóa thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ; xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường gây khó khăn cho quá trình kiểm soát.

Cũng theo bà Vương Thị Ngọc Diên, nhân lực thực hiện công tác quản lý ATTP còn mỏng tại cấp huyện và cấp xã. Mặt khác, đa số công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Điều này khiến công tác tham mưu, triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP, đặc biệt là hoạt động kiểm tra còn nhiều hạn chế.

Đại diện một số địa phương cũng chia sẻ, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, vi phạm các quy định pháp luật về ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm cũng gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tự công bố sản phẩm; đồng thời là rào cản đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm.

Hoàn thiện quy định quản lý

Từ thực tế công tác kiểm tra, giám sát trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, nhiều địa phương cùng chung đề nghị UBND TP Hà Nội, các sở, ngành tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các mô hình kiểm soát ATTP của các địa phương khác để cấp huyện, cấp xã học tập.

Nhiều địa phương cũng mong muốn UBND TP Hà Nội nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, test xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, bán hàng online và có hướng dẫn quản lý, xử lý hoạt động kinh doanh online.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, quá trình triển khai thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2024 đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần tiếp tục chấn chỉnh. Trong đó, việc hoàn thiện văn bản pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước là rất cần thiết.

Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu an toàn đối với nông sản thực phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp.

Bổ sung và thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đơn cử như là các mức giới hạn chỉ tiêu ATTP của những sản phẩm còn thiếu cũng như quy định về mức giới hạn cho phép đối với một số chỉ tiêu phân tích. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Trong đó, quy định các tổ chức chứng nhận phải thông báo, định kỳ theo tháng gửi danh sách các cơ sở được cấp các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC), Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực đến các cơ quan quản lý ATTP chuyên ngành của địa phương để có thông tin quản lý, kiểm tra, lấy mẫu giám sát ATTP đối với những cơ sở này.

 

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các chuỗi cung cấp nông sản an toàn trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, gia tăng giá trị và đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường.