Gỡ nút thắt để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Tích tụ đất đai và chính sách tín dụng đang là 2 nút thắt lớn nhất cản trở các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Muốn khơi được dòng vốn chảy vào nông nghiệp, trước hết phải tháo gỡ được 2 vấn đề này.
Sức hút kém
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, DN được xác định là hạt nhân quan trọng và cũng là động lực để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến nay mới có khoảng hơn 3.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số DN trên cả nước, trong đó có trên 90% là DN nhỏ và “siêu nhỏ”. Lý giải về sự “èo uột” này, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho DN ngại đầu tư vào nông nghiệp như rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… Tuy nhiên, cản trở lớn nhất là vấn đề đất đai, bởi nhiều DN muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có quỹ đất.
 Xử lý, đóng gói trứng gà tại Công ty CP Dabaco, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quang Thiện
Nói về câu chuyện đất đai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng nhìn nhận, đây thực sự là vướng mắc nổi cộm khiến các DN ít mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, cả nước có 60,7 triệu người sống ở nông thôn thì có xấp xỉ 60 triệu người làm nông nghiệp. Bình quân đất canh tác nông nghiệp là 4.280m2/hộ, nếu chia theo đầu người chỉ là 1.150m2/người. Sự manh mún, nhỏ lẻ khiến tích tụ đất để DN đầu tư là vô cùng khó khăn, trong khi các DN lại mong muốn có tới hàng trăm, hàng nghìn héc ta đất “sạch” để đầu tư phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian vừa qua cũng không đạt kết quả như kỳ vọng. Trên bình diện chung cả nước, một số nội dung của Nghị định 210 chưa đi vào cuộc sống được nên chưa huy động được nhiều nguồn lực tư nhân đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đơn cử, Nghị định 210 chưa phân định được rõ điều kiện áp dụng cho từng vùng, miền. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị định 210 tối đa chỉ 2,5 tỷ đồng, trong khi một số ngành hàng nông nghiệp yêu cầu nguồn vốn lớn.
Tập trung khơi thông
Với nền sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, việc khơi thông dòng vốn từ khu vực tư nhân, nhất là các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Theo TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong quá trình tổ chức lại sản xuất phải hình thành các vùng chuyên canh tương ứng với quy mô đầu tư của các DN. Đặc biệt, phải có những đột phá về chính sách đất đai để tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư. “Đất đai trong nông nghiệp phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào đất lúa mà có thể chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản” - ông Sơn đề nghị.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trước mắt phải dành một quy mô đất “sạch” cho DN đầu tư trong lĩnh vực chế biến, ưu tiên công nghệ cao theo hướng thúc đẩy liên kết giữa nông dân với DN và người dân góp đất cùng DN. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển hình thức các cánh đồng mẫu lớn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và người dân. Hiện nay, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo trong việc giải quyết nút thắt đất đai cho DN. Đơn cử như tỉnh Hà Nam đứng ra đại diện giao lại diện tích đất sản xuất kém hiệu quả của nông dân cho DN sử dụng trong một thời gian nhất định. Hay tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân trong giới hạn 20 - 50ha.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, Bộ đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề đất đai, cụ thể trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thu hút đầu tư của DN. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan khảo sát, đánh giá, đề xuất hướng sửa đổi để Nghị định 210 sát thực tiễn hơn, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần