[Gỡ nút thắt trong đầu tư hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh] Bài cuối: Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 122/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng chính phủ tại buổi họp với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh ngày 13/5/2021. Theo đó, Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của TP Hồ Chí Minh về chủ trương báo cáo cấp có thẩm quyền tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025.

 Một nút giao thông tại TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh mong tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách là hợp lý. Vấn đề đặt ra là tính toán tăng phải đủ luận cứ thuyết phục. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại , hạn chế, nguyên nhân, trên cơ sở đó tích cực thực hiện giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn thu cho ngân sách TP.
Hợp lý nhưng luận cứ phải thuyết phục

Phải nói ngay rằng việc TP Hồ Chí Minh được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại giai đoạn 2022 - 2025 như thế nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội khóa 15. Tuy nhiên điều thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh là Thủ tướng cơ bản đồng ý đề xuất của TP và sẽ báo cáo ra Quốc hội trên cơ sở báo cáo đề xuất của Bộ Tài chính. Tuy nhiên việc TP Hồ Chí Minh giải trình, bảo vệ đề xuất của mình trước Quốc hội thuyết phục như thế nào mới là quan trọng. Bởi TP Hồ Chí Minh đề xuất tăng từ 18% lên 23%, tức tăng 5%, nhưng được tăng đến con số nào phải là Nghị quết của Quốc hội.

Đề án đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh từ 18% lên 23% đối với các khoản thu điều tiết giữa cấp ngân sách T.Ư và cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025 đã đưa ra các luận cứ chứng minh sự cần thiết và hợp lý của đề xuất. Đề án cho rằng: “TP Hồ Chí Minh cứ có 1 đồng ngân sách chi ra tạo được nguồn thu 5 đồng, với 5 đồng từ nguồn thu thì T.Ư lại có 4 đồng và TP có 1 đồng”.

Theo TS Nguyễn Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển triển TP Hồ Chí Minh thì luận cứ đó trên cơ sở số liệu thu chi ngân sách 20 năm qua, chẳng hạn năm 2015 chi ngân sách 55.000 tỷ đồng - thu ngân sách 273 tỷ đồng hoặc năm 2020 chi khoảng 70.000 tỷ đồng - thu hơn 372.000 tỷ đồng. Tức thu ngân sách gấp khoảng 5 lần chi ngân sách. Với cách so sánh giữa tổng chi ngân sách và tổng thu ngân sách hàng năm, TS Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng trong đầu tư tài chính cứ 1 đồng chi ngân sách TP Hồ Chí Minh thu đươc 5 đồng. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tế về đầu tư tài chính không cho rằng chi ngân sách là chi đầu tư tài chính cả. Đầu tư tài chính là đầu tư chứng khoán, đầu tư ngoại tệ và một số hình thức đầu tư gián tiếp khác nhằm tìm kiếm lợi nhuận, chứ chi ngân sách cho quản lý hành chính, cho đáp ứng an ninh quốc phòng, an sinh xã hội,… sao gọi là đầu tư tài chính được. Chỉ các khoản chi ngân sách cho đầu tư phát triển (có hiệu quả), chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (chẳng hạn chi khắc phục dịch covid-19) mới gián tiếp làm tăng thu ngân sách, nó cũng không tạo ra lợi nhuận trực tiếp được.

Không thể so sánh giữa tổng chi ngân sách với tổng thu ngân sách hàng năm để cho rằng tăng chi ngân sách sẻ làm tăng thu ngân sách theo một tỷ lệ nào đó cụ thể được. Nếu lập luận theo cách ấy thử hỏi tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh được tăng 5%, số tuyệt đối tăng khoảng 10.000 tỷ đồng, khi đó thu ngân sách TP có tăng 50.000 tỷ đồng theo tỷ lệ tương ứng không? Rõ ràng không có cơ sở, cho nên quan điểm đó là sự ngộ nhận gây hiểu nhầm.

Cần hiểu đúng hài hòa và công bằng trong tổng thể

Khi ngân sách quốc gia luôn luôn trong tình trạng bội chi thì không thể nói rằng sẽ có sự công bằng tuyệt đối nào cả về phân bổ nguồn ngân sách hàng năm cho các địa phương. Công bằng ở đây gắn chặt với sự hài hòa. Công bằng ở đây loại trừ tính so đo giữa địa phương nộp nhiều mà tỷ lệ nhận ít, địa phương nộp ít mà tỷ lệ nhận nhiều. Công bằng ở đây gắn với trách nhiệm, địa phương nào có lợi thế phải tích cực tăng thu để chia sẻ với địa phương còn khó khăn khai thác nguồn thu.

Phản ứng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh thấp không tương xứng với mức thu đạt được, một quan chức của TP đã phát ngay trên nghị trường HĐND TP rằng: “Không thể xem TP Hồ Chí Minh là bò sữa để vắt sữa quá nhiều”. Đó là phản ứng mang tính so đo, mâu thuẫn trong quan điểm tiếp cận vấn đề phải hài hòa và công bằng tổng thể trong phân bổ ngân sách Nhà nước cho các địa phương hiện nay. Câu ví von đó phát ngoài hè phố chuyện thường thôi nhưng quan chức phát trên nghị trường có nên không?

Hài hòa và công bằng trong tổng thể biểu hiện trong đòi hỏi cân đối chung ngân sách quốc gia bảo đảm mục tiêu chung của đất nước, bảo đảm cho tất cả mọi địa phương, vùng sâu, vùng xa, bảo vệ biên giới hải đảo,…Dĩ nhiên, cần ưu tiên ngân sách nhiều hơn cho một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ,… để làm tăng hơn động lực cho phát triển. Công bằng không có nghĩa là cào bằng và công bằng trên cơ sở sử dụng nguồn ngân sách phải hiệu quả, tiết kiệm, đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Cần đặt ra câu hỏi nghiêm túc và phải được trả lời một cách nghiêm túc rằng tại sao có những tỉnh nghèo thu không đủ chi nhưng vẫn xin tiền ngân sách xây dựng tượng đài hoặc công trình chưa cần thiết, xa xỉ, từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng. Đối với các tỉnh giàu lại đầu tư hạ tầng giao thông tràn lan, nhiều công trình dở dang gây đọng vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng luôn kêu thiếu vốn đầu tư hạ tầng.

Phải kết hợp tối đa lợi thế đặc thù để khai thác nguồn thu

Một cách nói thẳng là TP Hồ Chí Minh không bao giờ có đủ vốn cho đầu tư giao thông trên địa bàn. Đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải có một cuộc cách mạng lớn về quy hoach, huy động và sử dụng vốn đầu tư thật sự hiệu quả. Nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng giao thông là có thật nhưng tham vọng vượt quá xa khả năng, đầu tư dàn trải, cơ chế đặc thù nắm trong tay không phát huy được, chỉ loay hoay đề án xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Giả sử sẽ được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thêm 5%, TP Hồ Chí Minh có thêm nguồn vốn ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm bắt đầu từ năm 2022 - 2025. Có dồn hết số tiền này bổ sung cho đầu tư giao thông cũng chưa thể giải quyết bài toán. Đề án mà Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã đề xuất (như đề cập ở bài 1) nhu cầu vốn đầu tư bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 111.000 tỷ đồng mỗi năm. Vậy thêm 10.000 tỷ đồng mỗi năm có nghĩa lý gì. Không thể chỉ nhìn mỗi nguồn tăng từ tăng điều tiết ngân sách mà TP Hồ Chí Minh phải phối, kết hợp nhiều nguồn thu cho ngân sách.

Đặc biệt là cơ chế đặc thù mà Nghị quyết 54/2017/QH14 đả mở cửa cho TP Hồ Chí Minh 3 cửa tạo nguồn thu, có thể huy động được nhiều chục nghìn tỷ đồng ngân sách bổ sung cho đầu tư giao thông. Giá trị cao của Nghị quyết 54 là chỗ đó chứ chỉ sử dụng đặc thù cho việc tăng thu nhập viên chức và tăng phí dịch vụ thì đâu cần đến Nghị quyết của Quốc hội. Do chưa phát huy được lợi thế cơ chế đặc thù đó nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Hồ Chí Minh đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, trên cơ sở đó tích cực thực hiện giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn thu cho ngân sách.