Thực tế, người khuyết tật (NKT) rất khó tìm được việc làm phù hợp. Nhằm thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ rào cản trong việc tạo việc làm cho lao động là người khuyết tật cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội, sáng nay (30/8) tại trụ sở báo Kinh tế & Đô thị sẽ diễn ra tọa đàm với chủ đề: “Quyền làm việc của người khuyết tật - Từ chính sách đến thực tiễn”.
Buổi tọa đàm do báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức trực tuyến tại địa chỉ http: //kinhtedothi.vn.
Đã khó khăn lại thêm trở ngại
Hiện nay, cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật (NKT) nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Trên địa bàn TP Hà Nội có trên 109.000 NKT, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 NKT đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật, NKT còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình.
Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với NKT vốn đã khó khăn thì khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giải quyết vấn đề này càng thêm nhiều trở ngại.
Một NKT đến từ huyện Đông Anh (Hà Nội) đang làm trong chuỗi cửa hàng TokyoLife bộc bạch: "NKT không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng phần đông trình độ học vấn còn kém khi ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng. Bên cạnh đó, sức khỏe còn hạn chế… cũng là trở ngại trên con đường tìm kiếm việc làm của NKT.
Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Dương Thị Vân cho rằng, lao động là NKT gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức; thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì.
Trong khi đó, bà Chử Thị Thanh Hương - Sáng lập viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam là người trực tiếp tuyển dụng lao động NKT cho rằng, có một khoảng trống vô cùng lớn để NKT đáp ứng yêu cầu công việc. 20 năm làm công tác tuyển dụng, bà Chử Thị Thanh Hương nhận thấy, vấn đề NKT đang gặp phải là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi.
Dĩ nhiên, khi NKT tham gia thị trường lao động cần có sự bình đẳng, mang lại lợi ích cho cả hai phía chứ không phải DN nhận vào vì tình thương. Hơn nữa, NKT cũng mong muốn hòa nhập hoàn toàn bình đẳng.
“NKT tìm việc làm khó khăn vì họ không có nguồn tiếp cận cơ hội. Bởi bây giờ mọi người đều đăng thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội nhưng không phải NKT nào cũng biết vào mạng; trong khi công tác truyền thông tới NKT có nhiều vấn đề, rất mất thời gian” bà Chử Thị Thanh Hương nhận định và cho rằng cần phải linh hoạt, tích cực hơn trong việc hỗ trợ NKT.
Cũng có những ý kiến chỉ ra việc Nhà nước khuyến khích các DN tuyển dụng lao động là NKT nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, tuyển dụng NKT vào làm việc đồng nghĩa với DN phải thay đổi hết cơ sở hạ tầng để NKT tiếp cận được hoặc tuyển dụng người điếc thì phải thuê phiên dịch mà không được hỗ trợ từ Chính phủ.
Cần sự hỗ trợ từ các bên liên quan
Khảo sát nhanh của Hội NKT Hà Nội cũng cho thấy, NKT hiện đang làm việc trong các DN lớn có hợp đồng, liên kết với tổ chức Hội NKT Hà Nội bảo vệ quyền lợi thì 100% các DN đóng bảo hiểm xã hội, chăm lo chế độ đầy đủ. Còn những thanh niên khuyết tật làm việc tự do hay các công ty nhỏ và không có sự kết nối từ Hội thì quyền lợi khó được đảm bảo.
“Đây là vấn đề cần sự chung tay của không chỉ tổ chức Hội NKT Hà Nội mà cả các cơ quan, ban ngành, DN hiểu đúng và thực hiện tốt các văn bản Nhà nước hiện hành” - Phó Trưởng Ban Thanh niên, Hội NKT Hà Nội Nguyễn Xuân Khánh cho hay.
Nâng cao năng lực cho NKT là rất cần thiết, chính vì thế, thời gian qua, Hội NKT Hà Nội đã tổ chức tập huấn về lập kế hoạch cá nhân, làm hồ sơ xin việc; trang bị những kỹ năng cần thiết về cuộc sống, giao tiếp, thể hiện bản thân… Từ tháng 4/2022, Hội NKT
Hà Nội đã đẩy mạnh trở lại các chương trình kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho NKT trong đó ưu tiên thanh niên khuyết tật độ tuổi 18 - 35. Thông qua những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức tài trợ nước ngoài, 3 năm qua, Hội NKT Hà Nội đã thực hiện các dự án với Tổ chức RI & AF kết nối tạo việc làm cho trên 600 NKT vào làm việc tại các công ty, hợp tác xã, trung tâm đào tạo dạy nghề do NKT khởi nghiệp và điều hành quản lý.
Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội đã và đang phối hợp với Hội NKT Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) cho những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay: “Kể từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã triển khai rất nhiều hoạt động phối kết hợp với Hội NKT Hà Nội và 30 hội quận, huyện, thị xã để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn những vị trí việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động. Chúng tôi cũng tổ chức các phiên GDVL hàng năm với tần suất 2 phiên/năm lên 4 phiên/năm để giúp lao động NKT tìm được việc làm có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng".
Để giải quyết việc làm cho lao động là NKT, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ chỉ đạo Trung tâm DVVL Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ NKT học nghề; hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc cũng như hỗ trợ NKT có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ NKT và tiếp tục tổ chức các phiên GDVL hướng đến NKT.
Giải quyết việc làm cho NKT rất cần vào các chính sách xã hội, các Hội NKT, Trung tâm DVVL cũng như sự tham gia nhiệt tình từ phía DN. Về phía NKT cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.
Tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật - Từ chính sách đến thực tiễn” có sự tham gia của: Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia NKT Việt Nam; ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội; luật sư Phạm Thu Hương - Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia TP Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Ban Thanh niên, Hội NKT Hà Nội; ông Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội NKT quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art; bà Nguyễn Việt Anh - Đại diện Công ty TNHH Xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam; bà Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội).
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, người bảo vệ cho NKT, đơn vị tư vấn luật hay của chính những người trong cuộc - NKT, buổi tọa đàm sẽ đưa ra những câu chuyện từ thực tế và gợi mở những giải pháp để tăng quyền làm việc, chế độ an sinh xã hội cho NKT.