Hình thức này, theo các chuyên gia không phải giải pháp mới. Tuy nhiên, nếu trái chủ đưa ra phương án quy đổi phù hợp thì dễ nhận được sự đồng thuận hơn và tính thanh khoản cũng sẽ tốt hơn.
Nhiều phương án cho khách hàng tất toán trái phiếu
Chị H.C mua 300 triệu đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Hưng Thịnh Land. Theo Hợp đồng ký kết, tháng 8/2023, Hợp đồng tổng của lô trái phiếu mà chị C mua sẽ đáo hạn. Tuy nhiên, chị C có nguyện vọng tất toán trước hạn số trái phiếu này.
Tại cuộc làm việc giữa Hưng Thịnh Land và nhà đầu tư trái phiếu DN này, phía Hưng Thịnh Land đã đưa ra một số phương án để khách hàng lựa chọn.
Phương án 1 là chuyển từ tiền đầu tư trái phiếu sang tiền mua căn hộ Dự án của DN này. Với phương án này, nhà đầu tư có thể chọn nhiều hình thức thanh toán: Trả hết một phần hoặc trả ngay 100% giá trị căn hộ được giảm giá 30%. Phương án 2 là chuyển từ tiền đầu tư trái phiếu sang ký Hợp đồng cho Hưng Thịnh vay lãi suất 12%/năm kèm theo điều kiện là phải ký cho vay từ 12 tháng trở lên.
Chị C cho biết, nếu ký Hợp đồng cho DN vay, cũng không khác gì đầu tư trái phiếu của DN. Còn nếu chuyển sang phương án “trái phiếu đổi hàng”, chị lại cân nhắc về tiến độ thực hiện Dự án và vấn đề tài chính của bản thân. “Vì thế, tôi quyết định chờ đến thời điểm tất toán Hợp đồng là tháng 8/2023 với niềm tin về các Dự án đang triển khai. Hy vọng mọi thứ tốt lên” - chị cho hay.
Thời gian qua, các động thái mạnh tay của cơ quan quản lý để chấn chỉnh, minh bạch thị trường TPDN liên quan đến trái phiếu Tân Hoàng Minh, trái phiếu An Đông… đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng và mong muốn tất toán trái phiếu trước hạn.
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt, điều này đã tăng thêm áp lực thanh khoản cho các DN bất động sản (vốn là những chủ thể có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất) khi các nhà đầu tư yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn. Ước tính có khoảng 142 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn trong 9 tháng đầu năm 2022.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Anvi nêu lên thực tế, khi sự cố xảy ra, nhiều nhà đầu tư ngay lập tức phản ứng, yêu cầu bán lại trái phiếu trước hạn, thu hồi tiền ngay lập tức, thậm chí chấp nhận mất lãi. Điều này gây áp lực rất lớn cho các DN phát hành, các công ty chứng khoán.
“Một lượng lớn người cùng đổ đi rút cùng lúc, không ngân hàng, DN nào có thể đủ tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả cao đột xuất như vậy. Thậm chí, rút tiền hàng loạt theo tâm lý có thể dẫn tới cảnh một DN đang hoạt động bình thường tới tình trạng khó khăn trong cân đối dòng tiền”- ông Đức phân tích.
Có nên hoán đổi trái phiếu sang nhà đất?
Trong bối cảnh một số lượng lớn nhà đầu tư yêu cầu tất toán trái phiếu trước hạn khiến DN gặp khá nhiều áp lực về dòng tiền, hoán đổi trái phiếu sang nhà, đất, tài sản của DN đang là phương án giải quyết được nhiều tổ chức phát hành lựa chọn.
Theo các chuyên gia, chuyển nợ thành sản phẩm không phải giải pháp mới và đã có tiền lệ. Nghĩa là các trái chủ sẽ được mua sản phẩm như bất động sản của DN với giá thấp hơn, giảm giá so với giá thị trường. Nhưng nếu đưa ra một quy đổi vượt quá giá thị trường thì việc này sẽ khó được chấp nhận và cảnh báo những nguy cơ về thanh khoản.
Chia sẻ tại một talkshow về trái phiếu DN mới đây, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Công ty Chứng khoán DSC cho biết, hình thức trái phiếu đến hạn, cụ thể là nhóm bất động sản, với hình thức “hàng đổi hàng” hoàn toàn là được phép và không phải giải pháp mới. Bởi trên thế giới, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đều đã thực hiện giải pháp này và đã có tiền lệ.
Cùng quan điểm, theo Luật sư Trương Thanh Đức, hình thức đơn vị phát hành cho phép trái chủ hoán đổi trái phiếu sang nhà, đất ở các dự án mà họ đang phát triển hoặc áp dụng chính sách tương đương là được phép, hợp pháp, hợp lệ và không vi phạm pháp luật.
“Đây là bài toán đánh đổi rất hợp lý, thể hiện công ty phát hành có năng lực, có trách nhiệm và có tài sản. Nếu nhà đầu tư có tiền mà chưa có việc gì cấp bách thì có thể đầu tư khi thấy hợp lý, giá cả tiềm năng thì chuyển sang đầu tư đảm bảo an toàn chắc chắn hơn vì chúng ta mua tài sản chứ không phải cam kết là tờ giấy nữa. Tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào quan điểm, tính lâu dài và tùy sản phẩm” - ông Đức nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thanh Đức cũng nêu ra thực tế, với hiện tượng các công ty chứng khoán là nhà phân phối trái phiếu nhưng không phân phối nguyên mà chia nhỏ các kỳ hạn và thay đổi lãi suất, vị chuyên gia luật cho rằng, trong bối cảnh bình thường, đây là một cách thức bán hàng rất hấp dẫn, phù hợp với thị trường, thanh toán dễ và có nhiều người mua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, công ty không đủ năng lực để giữ lại các trái phiếu này thời gian dài, vị luật sư này lo ngại với trái phiếu chính là ngân hàng hay công ty chứng khoán bán hàng mập mờ, khiến cho nhà đầu tư nghĩ rằng lấy lại được là chắc chắn và muốn chấm dứt kỳ hạn, muốn dừng khi nào cũng được.
Còn ông Bùi Văn Huy cũng cho rằng, với 1 trái phiếu hoặc 1 lô trái phiếu bình thường rất khó bán vì nhiều nhà đầu tư không tiếp cận được hoặc không thích tiếp cận theo hướng như vậy. Do đó, các công ty chứng khoán có sản phẩm riêng để chia nhỏ hoặc có thể chia ra các kỳ hạn sao cho phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư. Cụ thể, đó là những sản phẩm dựa trên trái phiếu mà các công ty chứng khoán chế biến lại để dễ bán hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia hơn.
Mặc dù vậy, ông Huy nhấn mạnh, công ty chứng khoán khi phát hành phải có nghĩa vụ với nhà đầu tư về các sản phẩm mà công ty làm ra. Còn độ rủi ro sẽ phụ thuộc vào chính uy tín và vị thế của công ty phát hành ra sản phẩm đó…
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang hành động theo tâm lý đám đông, nhìn thấy người khác đi rút TPDN thì cũng đi rút theo, mà không phân tích chất lượng trái phiếu mình đang nắm giữ, tốt xấu cho về một rổ. Việc rút tiền hàng loạt gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và gây áp lực lớn cho thị trường.
Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh - Công ty Chứng khoán DSC Bùi Văn Huy