Gỡ vướng để phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của Thủ đô, những năm qua, huyện Ba Vì tập trung đầu tư phát triển vùng chăn nuôi bò sữa.

Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân.

Đời sống người dân được cải thiện

Cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Bưởi, ở xã Yên Bài đã mạnh dạn vay vốn để mua con bò sữa đầu tiên. Tận dụng địa thế vùng đồi núi, gia đình ông trồng cỏ voi làm thức ăn nhằm tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Sau vài năm, từ một con ban đầu, ông Bưởi nâng dần đàn bò sữa của gia đình đến nay lên 18 con, cho sản lượng trên 120kg sữa, với doanh thu trên 1,5 triệu đồng/ngày. Vào mùa Đông, điều kiện chăm sóc thuận lợi nên sản lượng sữa có thể đạt cao hơn tới 50%.
Một hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì.
Một hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì.
Ở xã Minh Châu, gia đình anh Nguyễn Danh Đạt cũng là điển hình trong chăn nuôi bò sữa. Hiện, gia đình anh nuôi 37 con bò sữa, nhiều nhất toàn huyện, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Cùng với chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng trạm thu mua sữa tươi. Đơn cử như gia đình bà Phạm Thị Thanh Huyền, ở xã Tản Lĩnh hiện đang tiến hành thu mua trên 6.800kg sữa/ngày. Với mỗi ki lô gam sữa thu mua chuyển cho Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP), bà được DN trả 500 đồng.

Để có sản lượng cao, chất lượng sữa tốt nhất, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ba Vì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VSATTP, kết hợp sử dụng tinh bò sữa chất lượng cao, tinh phân ly giới tính để cải tạo giống, và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) trong chăn nuôi. Nhờ cách làm khoa học, bò sữa ít khi mắc dịch bệnh và cho giá trị kinh tế rất khá, góp phần cải thiện cuộc sống cho khoảng 1.670 hộ dân trên địa bàn huyện. 

Những bất cập trong tiêu thụ sữa

Dù việc chăn nuôi bò sữa mang lại giá trị kinh tế khá, tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội), chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì vẫn còn phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch của TP. Điều này gây khó khăn trong quản lý, thu gom và tiêu thụ sữa của chính các hộ trên địa bàn. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất mà các hộ chăn nuôi tại Ba Vì hiện gặp phải là khâu liên kết tiêu thụ với các DN kinh doanh sữa. Bà Nguyễn Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, địa phương có tổng đàn bò sữa và sản lượng sữa lớn thứ hai toàn huyện cho biết, hiện nay, giá thu mua sữa chưa ổn định khiến việc phát triển đàn bò khó khăn. Thêm nữa, nhiều hộ muốn xây dựng trạm thu mua sữa nhưng chi phí quá cao, từ 1,2 – 1,8 tỷ đồng/trạm. Do đó, đề nghị các DN kinh doanh sữa có phương án hỗ trợ vay vốn đầu tư cho bà con. Bà Yến cũng kiến nghị IDP nghiên cứu tăng mức phí dịch vụ cho các trạm thu mua lên trên mức 500 đồng/kg như hiện nay, ít nhất là ngang bằng với mức giá 850 đồng/kg của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Ông Hứa Bá Trình – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết thêm, với 46 trạm thu mua, việc tiêu thụ sữa của bà con trên địa bàn tương đối tốt. Nhưng vào mùa Đông, sản lượng sữa tăng vọt khiến việc tiêu thụ rất khó khăn. Do vậy, huyện kiến nghị Sở NN&PTNT có ý kiến đề xuất với IDP, Vinamilk và các DN kinh doanh sữa khác ký hợp đồng tăng số lượng thu mua sữa lên ít nhất 35% trong những tháng mùa Đông để tránh tình trạng các hộ chăn nuôi bị ế sữa. Ông Trình cũng kiến nghị IDP - DN hiện thu mua trên 50% tổng sản lượng sữa toàn huyện, xem xét tăng mức giá thu mua sữa cho bà con, bởi mức giá 12.000 đồng/kg do DN hiện trả thấp hơn khá nhiều so với giá thu mua trung bình của các DN kinh doanh sữa trên thị trường.
Tính đến tháng 7/2015, tổng đàn bò sữa huyện Ba Vì là 8.785 con, chiếm 57,5% tổng đàn bò toàn TP. Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì) là 3 trong số 15 xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa của TP. Bình quân năng suất sữa bò của huyện hiện đạt từ 4.600 – 4.800kg/chu kỳ 305 ngày.