Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng tiêu hủy vật chứng trong thi hành án dân sự

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện quy định của pháp luật, hàng tháng, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) tổ chức tiêu hủy vật chứng theo các quyết định, bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Mặc dù đã có những quy định về tiêu hủy vật chứng song thực tiễn áp dụng vẫn còn một số vướng mắc.

Vẫn còn những quan điểm khác nhau

Mới đây, Hội đồng tiêu hủy vật chứng do Cục THADS TP Hà Nội chủ trì đã tiến hành tổ chức tiêu hủy ma túy của 20 vụ án mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và tiêu hủy tang vật, tài sản thông thường thuộc 36 vụ việc tại Hà Nội. Quá trình tiêu hủy vật chứng, tài sản được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật trước sự chứng kiến của đại diện Viện KSND TP và Sở Tài chính. Trong quá trình tiêu hủy vật chứng, Hội đồng tiêu hủy đã đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường và vấn đề an ninh cho buổi tiêu hủy.

Tuy nhiên, theo các cơ quan THADS, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như Luật THADS đã có những quy định về tiêu huỷ vật chứng song thực tiễn áp dụng các quy định này vẫn còn một số vướng mắc. Hiện nay, với một số tài sản đặc thù như một số loại ma túy tổng hợp (ví dụ thuốc lắc, các chế phẩm ketamin, cần sa )... vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về hình thức tiêu hủy. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, hình thức tiêu hủy bao gồm: Đốt cháy, đập vỡ hoặc hình thức phù hợp khác.
 Ngày 22/1/2021, Cục THADS TP Hà Nội tổ chức tiêu hủy tang vật của các vụ án mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Ảnh: Giang Huyền
Trường hợp tiêu hủy các loại hóa chất độc hại hoặc các vật chứng, tài sản khác mà cần thiết phải có các trang thiết bị chuyên dùng hoặc chuyên gia thì chấp hành viên ký hợp đồng với chuyên gia, cơ quan bảo đảm điều kiện tiêu hủy vật chứng, tài sản để thực hiện việc tiêu hủy đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi tiêu hủy.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 13 Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS có quy định: Đối với vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy (số lượng lớn) hoặc các loại vật chứng đặc thù khác phải tiêu hủy, nếu xét thấy việc tiêu hủy có thể dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, cơ quan THADS phải lập kế hoạch (bao gồm cả kinh phí xử lý), phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thuê tổ chức, DN cung cấp dịch vụ để tiến hành tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, đối với số lượng ma túy không lớn, việc tiêu hủy được thực hiện tại đơn vị cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Trong thực tiễn, cơ quan THADS tiếp nhận nhiều loại tang vật là ma túy khác nhau như ma túy dạng tổng hợp, dạng viên, bột, dạng cây lá… Cách thức tiêu hủy còn theo hình thức thủ công, như: đốt cháy, bỏ ma túy vào nước hòa tan rồi đổ xuống cống, rãnh... Các hình thức này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như cán bộ trực tiếp tham gia tiêu hủy.
Do chưa có quy trình riêng biệt cho việc tiêu hủy ma túy các loại nên mỗi đơn vị tiêu hủy theo một cách khác nhau. Do đó cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc tiêu hủy các tài sản đặc thù này. Đối với các trường hợp tiêu hủy vật chứng là ma túy có số lượng lớn, các cơ quan THADS cũng đề nghị Tổng cục THADS hướng dẫn lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện thực hiện việc tiêu hủy vật chứng là ma túy số lượng lớn theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 125 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo Bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật có quy định phải tiêu hủy ngay”.
Tuy nhiên, nếu trong 1 tháng chỉ có một vài vật chứng, tài sản phải tiêu hủy mà phải thành lập một Hội đồng tiêu hủy vật chứng thì rất tốn kém về thời gian, kinh phí, nhân lực. Do vậy, có thể quy định gia tăng thời hạn thành lập hội đồng tiêu hủy vật chứng tùy theo số lượng vật chứng sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.