Góc nhìn mới về đề tài cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 giải A, 3 giải B, 26 giải C đã được trao cho các tác giả xuất sắc của cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930 – 1945) vào sáng 18/8 tại Hà Nội.

Điều đáng ghi nhận trong Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm nay là sự xuất hiện của các cây bút trẻ.

Với đề tài cách mạng và kháng chiến, không ngạc nhiên khi lực lượng viết chủ lực là các tác giả cao tuổi – những người đã kinh qua chiến tranh và nhiều vốn sống. Vì thế, nhiều câu chuyện lịch sử đã được kể lại dưới dạng hồi ký; nhiều tài liệu có giá trị lịch sử lần đầu được công bố; nhiều tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, sân khấu được đánh giá có chiều sâu về tâm lý, tính cách nhân vật đặt ra những vấn đề mới về lý tưởng, thân phận… Tuy nhiên, đáng trân trọng trong mùa giải năm nay là sự hiện diện của các cây bút trẻ. Dù chưa được đánh giá cao vì còn thiếu chiều sâu và hiểu biết về lịch sử, song ít nhiều điều này đã cho thấy một hướng đi nhân văn của những người trẻ.

 
Một cảnh trong vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử”.
Một cảnh trong vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử”.
Đứng ngang hàng với tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” (Trầm Hương) và vở kịch “Nhiệm vụ hoàn thành” (Nguyễn Xuân Đức) trong danh mục giải A là vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” của cây bút trẻ Nguyễn Thị Tuyết Minh. Vở diễn do NSND Phạm Anh Phương làm tổng đạo diễn, lấy cảm hứng từ câu chuyện về nữ anh hùng Võ Thị Sáu, đã được đánh giá là tác phẩm chất lượng.

Tuyết Minh cho biết, chị mong muốn kết nối được những đề tài lịch sử khô khan và có phần hơi “cứng” với các công chúng trẻ, tạo niềm tin cho đội ngũ sáng tác trẻ khi đi vào những đề tài này. “Lịch sử cách mạng cũng là mảnh đất để sáng tạo. Tôi mong đội ngũ sáng tác trẻ như tôi tiếp tục dấn thân, đừng nghĩ rằng phong cách, suy nghĩ của mình mới thì không đi được vào những đề tài tưởng như khô khan này” – chị chia sẻ. Và sự thành công của “Khoảnh khắc bất tử” ở cuộc thi này cho thấy đội ngũ sáng tác trẻ cũng rất quan tâm đến đề tài lịch sử. “Cây bút già” Trầm Hương cũng tin tưởng đội ngũ sáng tác trẻ có thể viết hay về đề tài chiến tranh cách mạng: “Kể cả là một người không được chứng kiến khoảnh khắc hay những thước phim lịch sử đó thì sẽ vẫn có một góc nhìn khách quan mới”. Tuy nhiên, kinh phí luôn là băn khoăn của nhiều tác giả, đặc biệt là những cây bút trẻ. Tác giả Tuyết Minh không giấu: “Tìm được nguồn kinh phí xã hội hóa rất khó khăn. Những cuộc vận động sáng tác lớn của Nhà nước thực sự là tin vui, nhưng phải chờ đợi rất lâu mới có một đợt như thế”.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng việc khơi gợi trong các thế hệ người Việt Nam truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc không bao giờ cũ. Và những người viết trẻ cầm bút đi vào góc đề tài này đang hứa hẹn những góc nhìn mới về một đề tài cũ.