[Góc nhìn nhà giáo]: Không dễ thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã có đề xuất bãi bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm (SVSP) và thay bằng tín dụng SVSP. Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo T.Ư Đặng Lộc Thọ cho rằng, đây là đề xuất phù hợp nhưng khi thực hiện sẽ gặp khó khăn.

Trước tiên, tâm lý của người Việt nói chung lâu nay được bao cấp, giờ bỏ chính sách này sẽ cảm thấy chưa được ưu đãi, quan tâm. Thứ hai, đi kèm với tín dụng SVSP phải xây dựng chế tài phù hợp cho các tình huống. Bộ GD&ĐT đề xuất SVSP ra trường trong hai năm mà không làm trong ngành giáo dục thì phải hoàn trả số tiền đã vay và lãi suất. Liệu Nhà nước có bảo đảm bố trí công việc đứng lớp cho họ? Trong trường hợp SVSP tốt nghiệp mong muốn được làm giáo viên nhưng địa phương không có nhu cầu, việc yêu cầu người học phải hoàn trả lại khoản tiền đã vay có đúng? Đã có trường hợp SVSP tốt nghiệp về quê xin được phục vụ cho ngành giáo dục nhưng không được bố trí.

Thực tế, vẫn còn quan niệm việc làm trong ngành giáo dục, biên chế Nhà nước mới là có việc. Còn làm giáo viên hợp đồng ở trường dân lập, tư thục coi như chưa có việc làm. Ông Thọ cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần tuyên truyền, làm công tác tư tưởng hết sức sâu rộng trong tất cả các cấp, ngành. Lãnh đạo phải là những người đầu tiên gương mẫu thực hiện. Thứ nữa là cơ chế đãi ngộ. Hiện nay chế độ chính sách của Nhà nước ban hành đảm bảo công bằng giữa trường công lập và dân lập, tư thục. Tuy nhiên, người sử dụng lao động bên khối công lập có sự ổn định hơn, còn dân lập xin vào làm việc rất dễ và khi đẩy ra còn dễ hơn.

Trước những khó khăn đó, theo quan điểm ông Thọ, cơ quan quản lý Nhà nước phải xác định được nhu cầu giáo viên của các địa phương cũng như đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các trường SP. Khi cân bằng được việc này sẽ giải quyết bài toán quy hoạch hệ thống trường SP. Hiện nay, Bộ GD&ĐT rất cố gắng để SVSP tốt nghiệp không bị thất nghiệp bằng cách cắt giảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc này mới chỉ thực hiện được đối với các trường trực thuộc bộ, lại chủ yếu là những cơ sở đào tạo có chất lượng cao. Các trường thuộc sự quản lý của địa phương chưa được quản lý chặt chẽ, nên trường ở tỉnh A liên kết với trường tỉnh B, C…, trong khi chỉ tiêu đào tạo không được khống chế dẫn đến thừa giáo viên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần