Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góc nhìn nhà giáo: Thay đổi cách đánh giá thi đua trong giáo dục

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra với mức độ nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường được cho là do bệnh thành tích trong giáo dục.

PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội ví von: “Thành tích như một bệnh dịch, lan ra quá mạnh dẫn đến mọi hành xử của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên bị rơi vào vòng xoáy không thoát ra được”. Trở lại vụ việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy ở Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát, PGS.TS Lê Kim Long cho rằng, trong tư duy của cô giáo muốn dạy cậu học trò cá biệt trở nên tử tế. Tuy nhiên, ở thời đại dân chủ và văn minh, nữ giáo viên ở vùng sâu xa vẫn tự cho mình cái quyền cao nhất, thay mặt phụ huynh để dạy bảo học sinh. Điều này hoàn toàn không được. Trong trường sư phạm đã dạy giáo sinh tình huống xử lý học trò “đặc biệt” nhưng do quá bức xúc, cả giận mất khôn, cô Thủy giải quyết vụ việc khi hai bên (cô và trò) cùng bức xúc. Lẽ ra, khi biết học trò nói bậy, giáo viên này nên kiềm chế tức giận, sau đó gặp riêng để chấn chỉnh. Trong trường hợp không mang lại kết quả, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh, nhà trường, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên để bàn hướng giải quyết.

Vi phạm thân thể người học, giáo viên có thể bị phạt số tiền lên tới 30 triệu đồng đã được Bộ GD&ĐT đề xuất để ngăn chặn bạo lực học đường. Về vấn đề này, PGS.TS Lê Kim Long khẳng định, nhà trường không được phép làm việc này. Trở lại vấn đề, khi vụ việc cô giáo Thủy phạt tát học trò 231 cái bị phanh phui, Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh không nhận thức được vấn đề nghiêm trọng lại đề nghị báo chí đừng đưa thông tin vì nhà trường sắp được công nhận chuẩn quốc gia. Nguyên nhân cũng lại bắt nguồn từ thành tích. Để ngăn chặn căn bệnh đó, các nhà trường công lập cần thay đổi cách nhìn trong các hoạt động thi đua cũng như đánh giá giáo viên, không phải chỉ thông qua nội dung trong lớp có bao nhiêu học sinh khá, giỏi. “Hiện nay, trong nhà trường vẫn còn những hoạt động đánh giá thi đua không mang lại kết quả, nhưng rất tiếc chúng ta vẫn duy trì, chẳng hạn như dự giờ lớp học khiến nhiều giáo viên phải có hành động đối phó cho dù không muốn” - PGS.TS Lê Kim Long nói.