Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Doanh nghiệp khó vay vốn giá rẻ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 3 tháng kể từ khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ lãi suất 2% cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, DN nhưng mới chi được 1 tỷ đồng trong tổng số 40.000 tỷ đồng...

Nhiều đơn vị loay hoay không biết cách nào tiếp cận được với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, trong khi thực tế hàng loạt DN đang rất khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từng ngày mong mỏi được tiếp sức.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đông Dương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đông Dương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Điều kiện khó, thời gian gấp

Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hà Lan Vũ Văn Hòa, DN chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay khi có thông tin gói hỗ trợ, công ty đã nhanh chóng lập hồ sơ. Với dư nợ 40 tỷ đồng tại ngân hàng, tiếp cận sớm với gói hỗ trợ lãi suất 2% đã giúp công ty tiết giảm được gần cả tỷ đồng chi phí lãi vay. Số tiền tuy không quá lớn nhưng rất cần thiết trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít DN được hỗ trợ lãi suất sau gần 3 tháng triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh Nguyễn Quốc Anh cho hay, đơn vị đang có khoản vay 2 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm, cao hơn 0,5% so với đầu năm. Đầu tháng 8, phía ngân hàng đã thông báo công ty làm thủ tục để được hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.

“Chúng tôi đã có khoản vay phê duyệt từ đầu năm với tài sản thế chấp đầy đủ mà còn vậy. Trong khi một số công ty trong Hiệp hội Cao su - Nhựa nếu không có tài sản thế chấp thì sẽ không thể nào vay được” - vị này nói.

Còn theo lãnh đạo Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, khó khăn ở chỗ yêu cầu của các ngân hàng rất khắt khe. Theo đó, các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và DN phải có lãi trong 3 năm nhưng 3 năm chịu tác động của dịch bệnh thì làm sao có lãi?

"Một số ngân hàng báo hết room, số khác thì lãi suất khá cao hoặc điều kiện ràng buộc quá nhiều. Qua 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch tê liệt, việc yêu cầu DN phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là điều không thể”- Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam Nguyễn Khoa Luân bày tỏ.

Để tiếp cận được gói vay, có nhiều thủ tục từ phía ngân hàng, quá trình thẩm định khá phức tạp. Các DN được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại (NHTM), các khoản vay phải chưa được hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác, không có nợ quá hạn, có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh khả thi...

Ngoài ra theo Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch Hội Doanh nhân quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023 là quá ngắn để xoay xở thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Hiếu, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Hiếu, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Yêu cầu khẩn trương, minh bạch, đúng đối tượng

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, từ báo cáo nhanh của các NHTM, tính đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Trong cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với NHNN và các bộ, ngành mới đây, lãnh đạo NHNN cũng nhìn nhận thực tế, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng có không ít tâm tư trong câu chuyện hỗ trợ 2% lãi suất. Trong đó có việc lấy lại khoản tiền đã chi như thế nào, thủ tục giấy tờ và quy trình để nhân viên tín dụng thực hiện khi triển khai gói hỗ trợ. Đa số ngân hàng đều xem đây là “nhiệm vụ chính trị” thay vì cơ hội kinh doanh, vì phải chi tiền hỗ trợ trước rồi mới quyết toán sau - một cách làm mang lại rủi ro cao hơn cho nhà băng.

Có lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, cho đến nay vẫn không quyết toán được khoản hỗ trợ lãi suất 4% trong giai đoạn kích cầu năm 2009. Điều này cũng khiến ngân hàng đắn đo hơn khi triển khai gói hỗ trợ mới. Lãnh đạo một NHTM bày tỏ, nguồn hỗ trợ được lấy từ NSNN, do đó quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa phải "đúng và trúng", nếu làm sai sẽ bị truy trách nhiệm.

Từ những vấn đề nêu của cả ngân hàng và DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, điều kiện vay vốn… để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN sớm thành lập một số đoàn công tác tiến hành khảo sát quá trình triển khai, nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có giải pháp khắc phục theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngày 19/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng. Trong đó, đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách. Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.

 Ảnh: Phạm Hùng
 Ảnh: Phạm Hùng

Cần có cơ chế riêng gỡ nút thắt

Đến nay, trên cơ sở đề xuất của các NHTM, NHNN đã đăng ký dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất từ 40.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/7 đạt 9,42%. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 5 tháng cuối năm, theo tính toán, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước trong vòng 2 năm từ 2022 - 2023 được các ngân hàng ước tính sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, DN đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Do vậy, với việc tín dụng chỉ còn được tăng trưởng chưa đến 500.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm thì nhiều chuyên gia và DN cho rằng NHNN phải tăng hạn mức tín dụng lên 15 - 16% cho năm nay.

Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường, nền kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các DN cũng đang từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh này, các DN cần thêm nguồn vay mới để khôi phục mở rộng sản xuất. Nếu không nới room, việc hỗ trợ lãi suất sẽ chỉ thực hiện được với các khoản vay cũ thì hoạt động sản xuất cũng chỉ duy trì được như trước đây, không tạo ra được động lực mới cho DN quay trở lại đường đua. NHNN nên cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn, thay vì chờ đến quý IV/2022, nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay, thẩm định chặt chẽ, khi vay vốn ngân hàng, người vay phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cho phép các DN có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng một năm thay vì chỉ "vin" vào yếu tố tài sản bảo đảm như hiện nay.

“Nếu muốn triển khai những gói hỗ trợ lãi suất thì NHNN nên có chính sách rõ ràng hơn cho các NHTM. Có thể quy định chi tiết đối tượng được vay hoặc bảo lãnh nếu có rủi ro thì NHNN sẽ hỗ trợ" - TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Các chuyên gia cho rằng, sức ép tài chính với DN rất lớn, việc bảo đảm nguồn vốn cho DN từ nay đến cuối năm và giai đoạn sau này rất quan trọng. Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. NHNN cần nâng room tín dụng; Bộ Tài chính cũng cần ban hành các chính sách mới liên quan đến trái phiếu DN, đảm bảo mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Với những công ty hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khi muốn vay vốn ngân hàng chắc chắn không có gì để cầm cố. Vì vậy, cần có chính sách riêng như dựa vào báo cáo thuế, số lượng nhân sự, có bao nhiêu hợp đồng trong thời gian tới, giá trị hợp đồng ra sao... để cho vay.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ

 

 

Các DN, hợp tác xã mong muốn NHNN xem xét nới điều kiện với các đối tượng được hỗ trợ như tài sản bảo đảm, khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn hoặc số dư lãi chậm trả trong 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Hoặc cho phép khách hàng cam kết, các NHTM hỗ trợ vốn vay đối với họ, sẽ xác minh sau hoặc tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận...

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng