Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Sửa đổi, điều chuyển nguồn vẫn lo “ế”

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đến giữa tháng 4/2023, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được vỏn vẹn 330 tỷ đồng. Trường hợp sửa đổi Nghị định, dự kiến cũng chỉ có thể giải ngân được 2.345 (trên tổng số 40.000 tỷ đồng của Chương trình) trong năm 2023.

“Phao cứu trợ” chỉ dành cho “người khỏe”

Gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022 (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15) cho đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được kỳ vọng sẽ là “phao cứu trợ” để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, kết quả giải ngân được rất thấp. Việc khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng.

Nguồn lực còn lại để thực hiện chính sách còn rất lớn đến hết năm 2023 sẽ không giải ngân hết. Ảnh minh hoạ
Nguồn lực còn lại để thực hiện chính sách còn rất lớn đến hết năm 2023 sẽ không giải ngân hết. Ảnh minh hoạ

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, tiêu chí “có khả năng phục hồi” nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Bên cạnh đó, cũng có 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục; 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Liên quan đến vấn đề này, số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, đến giữa tháng 4/2023, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được vỏn vẹn 330 tỷ đồng.

 

Nguyên tắc được hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng trả nợ và phục hồi. Bản thân ngân hàng thương mại không dám khẳng định khách hàng có khả năng phục hồi hay không nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động. (Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang)

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023. Do đó, còn khoảng 37.520 tỷ đồng nguồn lực của Chương trình bố trí cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.

Phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi”.

Lý do là để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn.

Thêm vào đó, doanh nghiệp lo ngại nhận tiền của nhà nước hỗ trợ, sau này quá trình thanh tra, kiểm toán phức tạp… nên cũng không mấy hào hứng

Đánh giá của Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, việc triển khai gói này là rất chậm. Dự kiến năm nay gói này giải ngân thêm được 2.345 tỷ đồng. Như vậy, sẽ còn dư 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết.

Kiến nghị mở rộng đối tượng và điều chuyển nguồn nhưng lo ngại tính khả thi

Một rào cản khác là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không. Các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

“Với các khách hàng đã được cơ cấu lại nợ trong thời gian qua thì không thuộc đối tượng cho vay của gói hỗ trợ này. Trong khi các doanh nghiệp này rất cần vốn để phục hồi, cần xem xét để cho các doanh nghiệp này cũng được vay từ gói hỗ trợ”- lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.

Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ chuyển nguồn sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn như Chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội, giải quyết việc làm… Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng DN đang khát vốn với lãi suất thấp. Chính vì vậy nên điều chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2%/năm chưa giải ngân được sang gói hỗ trợ khác. Ví dụ dùng nguồn vốn này hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp trong lúc họ đang gặp khó khăn như hiện nay.

“Việc chuyển nguồn là rất cần thiết. Như Ngân hàng Nhà nước đề xuất hỗ trợ đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất theo chương trình giải quyết việc làm tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Cái này rất cần vốn, vốn sử dụng rất thiết thực mà lại thiếu. Mỗi hộ chỉ vay tối đa 100 triệu đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong khi đó, 40.000 tỷ đồng khả năng không sử dụng hết. Do đó, đối tượng thụ hưởng chính sách này nên linh hoạt điều chỉnh" – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ khả năng giải ngân, đề xuất phương án điều chuyển chi hỗ trợ lãi suất sang hình thức, chính sách khác. Một trong số phương án được xem xét là chuyển sang cho vay nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, 2 chính sách có độ vênh về đối tượng, mức lãi suất hỗ trợ, nên cũng "không dễ chuyển đổi". Và hiện lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 5% một năm, nhưng việc giải ngân rất chậm. Như tại Thành phố Hồ Chí Minh, chưa đến 2% người có nhu cầu vay được vốn nhà ở xã hội.

"Nguồn cung nhà ở xã hội hiện không dồi dào, chính sách phát triển đang vướng nhiều quy định, nên nếu dồn vốn sang cho vay lĩnh vực này, nhà chức trách cần tính toán cẩn trọng để tránh tái diễn tình trạng ách tắc giải ngân" - ông Hùng lưu ý.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà nhiều gói giải ngân của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (350.000 tỷ đồng) cũng giải ngân chậm. Do đó, để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn.