Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Đòi hỏi cách làm mới

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn nửa năm triển khai, hành trình tiếp cận với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách vẫn cực kỳ chông gai với DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ.

DN đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì sức khỏe vẫn ở mức tương đối, còn nhóm thực sự khó khăn thì không đủ tiêu chí tiếp cận.

Điều kiện khắt khe, doanh nghiệp “lắc đầu”

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách (hơn 40.000 tỷ đồng năm 2022 và 2023) đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.

Khách hàng làm thủ tục nhận tiền tại Chi nhánh BIDV Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khách hàng làm thủ tục nhận tiền tại Chi nhánh BIDV Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Sau hơn nửa năm triển khai việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất theo hướng dẫn của Nghị định vẫn chưa đạt kỳ vọng. Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 10/2022, các ngân hàng thương mại mới giải ngân được dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng.

Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, DN đã rất vui mừng. Tuy nhiên, khi tiếp cận, đa số DN phải “lắc đầu” vì không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Bên cạnh đó, không ít DN cho biết, họ không muốn đáp ứng và vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có DN còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Thông tin từ Tổng Công ty May 10, khối DN dệt may đang đứng trước rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tín dụng. Chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tăng cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN. DN dệt may đang gặp phải những khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Hiện, nhiều DN đã phải hoặc là cắt giảm lao động, hoặc là thực hiện duy trì việc luân phiên cho công nhân. Dự báo quý I và II năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các DN, trong đó đặc biệt là DN dệt may.

Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn thừa nhận, mặc dù sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng nhưng kết quả triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa được như kỳ vọng. Đến cuối tháng 10/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn Hà Nội đạt 5.000 tỷ đồng với 209 khách hàng được hỗ trợ, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 12.242 triệu đồng.

Đại diện NHNN Hà Nội thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập đoàn khảo sát liên ngành cấp Bộ, giao NHNN Việt Nam chủ trì tiến hành khảo sát tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội, qua đó đã đánh giá về một số nguyên nhân tốc độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Cụ thể, triển khai trong thực tiễn cho thấy, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Mặt khác, DN có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Khách hàng xuất khẩu lựa

 

Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên cả ngân hàng thương mại và khách hàng đều thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Ngoài ra, tâm lý e dè về công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý Nhà nước sau này cũng là một trở ngại.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn

Trong quá trình phục hồi kinh tế, chúng tôi từng nhiều lần phân biệt có 3 loại DN: Thứ nhất là nhóm DN có thị trường, có dòng tài chính tốt, thu hút được lao động trở lại sau đại dịch vẫn có tiềm năng phát triển tốt. Thứ hai là nhóm còn thị trường, có thể đang thiếu vốn. Nếu nằm trong diện tiếp cận được các gói vay ưu đãi thì sức khỏe cũng tương đối. Còn một nhóm rất khó khăn là vừa thiếu vốn, vừa mất thị trường, nếu không đủ tiêu chí tiếp cận các khoản vay hỗ trợ thì cực kỳ khó khăn.

Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh

chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định. Cũng có nhiều khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.

Sửa đổi, thiết kế tiêu chí phù hợp hơn

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang cho biết, đoàn công tác liên bộ do NHNN chủ trì đã đi thực tế các địa phương và tiến hành khảo sát các DN nằm trong đối tượng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Kết quả cho thấy, có tới 67% DN không muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Con số này cho thấy, Nghị định 31 cần sửa đổi cho phù hợp hơn.

Về phía DN, đại diện Tổng Công ty May 10 cho rằng, thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng là nguyên nhân khiến DN dệt may khó càng thêm khó. Lãi suất tăng nhanh, tỷ giá căng thẳng gây áp lực lên chi phí vay tiền đồng. “Đề nghị NHNN khi triển khai giảm lãi suất ưu đãi cho DN cần lựa chọn các tiêu chí phù hợp cho các ngân hàng thương mại, tránh việc đưa ra chính sách nhưng DN không tiếp cận được, gói hỗ trợ lãi suất không đạt được mục tiêu. Chúng tôi cũng đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các DN xuất khẩu dệt may để hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu, nguy cơ thiếu hàng, lao động nghỉ việc dài ngày trong quý I và quý II/ 2023, trong khi DN vẫn phải trả lương để giữ người lao động, chi phí DN tăng cao, DN làm không có hiệu quả”- kiến nghị của Tổng Công ty May 10.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành, Chính phủ yêu cầu NHNN đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp. Chính phủ đề nghị, trước mắt, NHNN khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Đồng thời, NHNN cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách, nên có sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. “Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay”- chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.