Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gợi ý mô hình "4-10" để tránh ác mộng dỡ bỏ hạn chế ở Hàn Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước bối cảnh Seoul phải đóng cửa trở lại hơn 2.000 địa điểm công cộng do đợt lây nhiễm lần 2 của dịch Covid-19, một mô hình hoạt động an toàn hậu giãn cách xã hội của các chuyên gia Viện Weizmann đang được xem xét để tránh vòng luẩn quẩn "mở rồi lại đóng" cho các nền kinh tế.

Khu giải trí về đêm Itaewon ở thủ đô Seoul được xác định là một trong những điểm bùng phát đợt lây nhiễm Covid-19 lớn lần 2 đang diễn ra tại Hàn Quốc, sau khi nước này đã dần dỡ bỏ nhiều hạn chế từ cuối tháng 4.
Một khi thế giới chưa có vaccine ngừa Covid-19, các quốc gia được cho không thể tái hoạt động kinh tế mà không gây ra các làn sóng lây nhiễm mới. Cảnh tượng mở rồi lại phải đóng cửa các trường học và DN trở thành tương lai nghiệt ngã khó tránh.
Các chuyên gia đang đề xuất tìm cách thoát khỏi tình trạng này bằng việc khai thác một thuộc tính quan trọng của virus corona: Thời gian ủ bệnh của nó. Theo đó, ước tính trung bình thời gian từ khi một người bị nhiễm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác là khoảng 3 ngày.
Từ đó, mọi người được cho có thể hoạt động cộng đồng trở lại theo chu kỳ 2 tuần, trong đó cứ sau 4 ngày học tập và làm việc ở ngoài - thời điểm họ có thể đã nhiễm bệnh, 10 ngày tiếp theo nên ở nhà.
Chiến lược này sẽ càng hiệu quả nếu dân số được chia thành 2 nhóm hoạt động xen kẽ sau 2 tuần. Ngành giáo dục Áo sẽ áp dụng một phiên bản đơn giản, với 2 nhóm học sinh luân phiên đi học trong 5 ngày theo chu kỳ 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/5 tới.
Theo mô hình này, ngay cả khi 1 người được cho bị nhiễm bệnh và không có triệu chứng, người đó cũng sẽ tiếp xúc với những người bên ngoài gia đình của họ chỉ trong 4 ngày mỗi 2 tuần, thay vì 10 ngày như với một lịch trình bình thường. Bản chất của chiến lược này là giúp giảm mật độ của mọi người tại nơi làm việc và trường học, do đó hạn chế sự lây lan của virus.
Mô hình 4-10, được đề xuất bởi các chuyên gia tại Viện Khoa học Weizmann ở Israel, dự đoán rằng chu kỳ 2 tuần có thể làm giảm trung bình số người bị lây nhiễm bởi mỗi người nhiễm bệnh xuống mức dưới 1 người, từ đó có thể ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn cho phép hoạt động kinh tế trở lại.
Các trường học được đề xuất tổ chức cho học sinh lên lớp 4 ngày liên tiếp cứ 2 tuần một lần, với 2 nhóm xen kẽ, trong khi vẫn kết hợp sử dụng các phương pháp học từ xa vào các ngày không đến trường. Trẻ em sẽ đi học vào cùng ngày với cha mẹ đi làm, khi các DN cũng sẽ làm việc gần như liên tục theo cách xen kẽ 2 nhóm lao động tương tự.
Theo Giáo sư kinh tế Eran Yashiv tại Trung tâm Kinh tế vĩ mô London, điều này có ý nghĩa với nền kinh tế, khi không chỉ đảm bảo sản xuất được duy trì mà cũng sẽ làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, nghĩa là bảo vệ cả cung và cầu.
Đặc biệt đối với những người sống bằng thù lao hàng ngày, sẽ có 4 ngày để họ kiếm sống, giảm gánh nặng cơm áo gạo tiền để tránh việc vi phạm các nguyên tắc giãn cách xã hội. Các vụ phá sản DN cũng sẽ được giảm bớt, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế một khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Tuy nhiên, các giáo sư sinh học tính toán và hệ thống, Uri Alon và Ron Milo, của Viện Khoa học Weizmann lưu ý, mô hình được xem là chiến lược tuần hoàn này phải được đi kèm với việc tự kiểm dịch bởi những người có triệu chứng, cũng như việc theo dõi và cách ly tiếp xúc và bảo vệ các nhóm rủi ro cao bởi chính quyền.
Và mặc dù có thể dễ dàng áp dụng ở các quy mô khác nhau, từ trường học, công ty đến toàn tỉnh, TP, mô hình trước mắt nên được thử nghiệm ở các khu vực hạn chế trong khoảng thời gain nhất định - có thể là 1 tháng. Nếu tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng lên, nó có thể được điều chỉnh thành ít ngày làm việc hơn nữa trong 1 chu kỳ. Ngược lại, nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, ngày làm việc sẽ được thêm tăng lên dần.
Đưa ra gợi ý này, các nhà khoa học gửi gắm thông điệp rằng Covid-19 có thể là một kẻ thù ghê gớm, nhưng không hẳn bất khả chiến bại. Bằng cách lên lịch cho các hoạt động một cách thông minh, dựa trên các theo dõi khoa học về virus, con người có thể đánh bại nó nhanh hơn để cứu cả sức khỏe cho cộng đồng và cho nền kinh tế.