Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022:

Góp tiếng nói bảo vệ lao động yếu thế

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/10, Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội).

Cuộc thi do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV); Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức. Tới dự có Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng.

Trưởng đại diện Tổ chức AAV Hoàng Phương Thảo và Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán trao thưởng cho nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: Ngọc Tú
Trưởng đại diện Tổ chức AAV Hoàng Phương Thảo và Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán trao thưởng cho nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: Ngọc Tú

Tạo dấu ấn đậm nét

Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức của các bên về những thách thức mà lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ trong lĩnh vực phi chính thức phải đối mặt trong bối cảnh Covid-19, hậu Covid- 19 cũng như hội nhập quốc tế, khu vực, biến đổi khí hậu và nền kinh tế số tạo ra.

Phát biểu tại Lễ Tổng kết và trao giải, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức thông tin: Sau hơn 5 tháng phát động, cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 đã nhận được 482 tác phẩm dự thi của các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo, đài T.Ư, địa phương, của cộng tác viên và nhiều cây bút không chuyên. So với mùa 1, các tác phẩm tham dự thi năm nay chất lượng hơn, đa dạng về thể loại; có nhiều tấm gương điển hình, đặc biệt, có nhân vật hàng chục năm cống hiến thầm lặng nhưng ít người biết đến.

Các tác phẩm tham gia cuộc thi không chỉ phản ánh thực tế cuộc sống, công việc của người lao động, đặc biệt là lao động nữ ở khu vực chính thức và phi chính thức, lao động tự do mà còn đưa ra những giải pháp, khuyến nghị. Qua đó để các chủ sử dụng lao động, cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng những chính sách lao động - việc làm, an sinh xã hội phù hợp với thực tế cuộc sống, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, người yếu thế có đời sống ngày một tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu tại Lễ Tổng kết và trao giải, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng Quỹ AFV Tạ Việt Anh khẳng định: Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 thành công tốt đẹp, tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc, bạn viết xa gần. Tôi rất xúc động khi năm nay có nhiều tác giả nữ tham gia cuộc thi và 2/3 trong số 28 tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo có tác giả là nữ.

Ông Tạ Việt Anh cũng cho biết đã đọc, suy ngẫm trước những trang viết và nhận thấy có nhiều tác phẩm, loạt bài được các tác giả ấp ủ, lựa chọn đề tài, lên kế hoạch, đầu tư về thời gian, công sức, trí tuệ để thực hiện. Thậm chí, để thực hiện tác phẩm, các tác giả đã dấn thân, thâm nhập thực tế, không ngại những khó khăn, vất vả. “Tôi tin rằng những tác phẩm như thế này không chỉ chạm đến trái tim bạn đọc, mà còn khiến các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa, có biện pháp thanh tra, xử lý, giải quyết tình trạng quyền làm việc của người lao động ở nơi nào đó chưa được đảm bảo, để người lao động, nhất là lao động nữ được bảo vệ” – ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.

Tập trung nhiều hơn vào các nhóm yếu thế

Tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022, Ban Tổ chức cùng các đại biểu tham dự trực tiếp, online đều rất xúc động khi được nghe chia sẻ của cô giáo Đinh Thị The là nhân vật trong tác phẩm “Đổi thanh xuân gieo mầm hy vọng” của nhóm tác giả Chu Thị Thu Hương và Nguyễn Minh Thu (báo Bắc Giang). Cô giáo The đã có hơn 30 năm thầm lặng trèo đèo, lội suối, cõng chữ lên non. “Chúng tôi không mong ước gì hơn, chỉ mong các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho các em học sinh nơi đây có điều kiện học tập tốt hơn nữa” – cô giáo Đinh Thị The chia sẻ.

Ban Tổ chức và các đại biểu cũng rất xúc động khi nghe hai nữ nhà báo Lê Thị Hoa và Lương Thị Hạnh (báo Lao động) chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm “Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy”. “Kế hoạch thực hiện loạt bài được chúng tôi lên khung trước khi triển khai, ai vào vai nào, thuê trọ ở đâu, ăn uống thế nào. Chúng tôi làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi cùng công nhân và trở thành một công nhân thực thụ. Qua các loạt bài gửi tham gia cuộc thi, chúng tôi mong góp phần giúp thị trường lao động, việc làm ngày càng minh bạch, văn minh hơn; thêm quyền lợi cho người lao động” - hai nữ tác giả tâm sự.

Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” đã được tổ chức 2 năm và trở thành sân chơi ý nghĩa của các nhà báo chuyên và không chuyên. Nhiều đại biểu đã bày tỏ mong muốn tiếp tục có cuộc thi mùa thứ ba. Về việc này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng đại diện Tổ chức AAV Hoàng Phương Thảo cho biết, Ban Tổ chức sẽ rà soát lại kết quả, cũng như hiệu quả của chương trình trong 2 mùa vừa qua.

"Chúng tôi hy vọng cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” mùa 3 được tổ chức có sự đầu tư và tập trung hơn trong việc tổ chức cho các nhà báo đi thực tế nhiều hơn ở mọi miền Tổ quốc. Đối tượng phản ánh sẽ tập trung vào các nhóm yếu thế hơn nữa. Và qua đó làm thay đổi một số các chính sách hay thực hành trong xã hội, hướng đến xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người" - bà Hoàng Phương Thảo chia sẻ.

Sau hai vòng chung khảo, Ban Giám khảo cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 đã lựa chọn được 28 tác phẩm đạt chất lượng, đáp ứng những yêu cầu của cuộc thi để trao giải cho 14 tác giả, nhóm tác giả. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao giải thưởng phụ cho tập thể báo Bắc Giang đã tích cực tham gia cuộc thi và 14 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 lên tới 167 triệu đồng.

 

28 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải

Giải Nhất thuộc về nhóm tác giả Lê Thị Hoa – Lương Thị Hạnh, báo Lao động với loạt bài 5 kỳ "Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy”.

Giải Nhì thuộc về nhóm tác giả Chu Thị Thu Hương và Nguyễn Minh Thu, báo Bắc Giang với tác phẩm "Đổi thanh xuân gieo mầm hy vọng"; tác giả Trần Oanh, báo Kinh tế & Đô thị với loạt bài 3 kỳ "Việc làm cho người khuyết tật: Có cơ hội nhưng… khó bền vững".

Giải Ba thuộc về nhóm tác giả Hồng Đào, Thanh Nga, Cao Hường, Huỳnh Như, báo Người lao động với loạt bài 3 kỳ "Dám nghĩ, dám làm vì người lao động"; tác giả Tào Nga, báo Dân Việt với loạt bài 5 kỳ "Điểm thi đua “hành” giáo viên nhưng không ai dám kêu"; tác giả Hoàng Ngọc Quỳnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk với tác phẩm “Chị chủ tịch phụ nữ huyện hết lòng với hội viên phụ nữ”.

Giải Khuyến khích thuộc về các tác giả: Hoàng Châu, Phạm Mạnh, báo Tuổi trẻ Thủ đô với tác phẩm "Lặng lẽ cống hiến để thu về trái ngọt an sinh"; Lê Minh Long, báo Đại Đoàn kết với loạt bài 2 kỳ "Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động"; Nguyễn Văn Sơn, báo Dân trí với tác phẩm "Nữ tài xế xe ôm đặc biệt nhất xóm chạy thận Hà Nội"; Hoàng Phương, báo VnExpress với tác phẩm "Tăng ca - lựa chọn của công nhân"; Vũ Thị Thu Hiền, báo Hànộimới với loạt bài 3 kỳ "Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tích lũy khi trẻ, vui khỏe tuổi già"; Trần Thịnh An, báo Kinh tế & Đô thị với tác phẩm "Con đường từ nữ công nhân may trở thành nhân lực ngành công nghệ thông tin"; Bảo Duy, báo Lao động Thủ đô với loạt 2 bài "Dấu ấn Công đoàn trong việc chăm lo cho lao động nữ"; Nguyễn Công Phương, Nguyễn Lê Vân (Hà Nội) với tác phẩm "Người khuyết tật vươn lên, thành lập hợp tác xã và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật khác".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần