Đi trên bất cứ tuyến phố nào ở Hà Nội, không khó bắt gặp những tài xế xe ôm khoác trên mình đồng phục Grab vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc xử lý những trường hợp vi phạm này vẫn đang có một lỗ hổng lớn.
Vi phạm tràn lan17 giờ 30, ngày 21/9, nút giao Kim Đồng – Giải Phóng đông như mắc cửi, từng đoàn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một. Bất ngờ, trên đường Giải Phóng, chiếc xe máy mang BKS 36B3 – 339.92 do một nam thanh niên điều khiển, mặc áo đồng phục màu xanh có gắn logo Grab cùng chiếc mũ bảo hiểm có logo tương tự phi ngược chiều trên đường Giải Phóng (hướng từ ngã tư Vọng về Bến xe Giáp Bát). Đến nút giao Kim Đồng – Giải Phóng, nam thanh niên này quay xe đứng đợi giữa ngã ba, ngay bên phía làn đường ngược chiều để đón khách. Chừng 5 phút sau, khách xuất hiện, ngồi lên xe và lái xe Grab Bike rồ ga đi chéo qua nút giao, chạy thẳng ra đường Giải Phóng. Không ít người đi đường phải đạp phanh dúi dụi để "nhường đường" cho chiếc xe ngang ngược này.
Ngày 30/8, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có Công văn số 369/UBATGTQG gửi Công ty TNHH Grab về việc chấn chỉnh và xử lý tình trạng sử dụng điện thoại di động khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông. Trong công văn, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Công ty TNHH Grab tăng cường tuyên truyền trật tự an toàn giao thông cho các đối tác là lái xe tham gia cung ứng dịch vụ vận tải của công ty, đặc biệt yêu cầu các lái xe mô tô, xe gắn máy tham gia ứng dụng Grab Bike của công ty tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động khi lái xe, xem xét chấm dứt hợp đồng với những lái xe cố tình vi phạm. |
Một trường hợp khác, vào lúc 16 giờ 30 trên đường Võ Văn Kiệt (hướng Sân bay Nội Bài về Nam Thăng Long), xe máy mang BKS 19E1 – 052.58 cũng do một nam thanh niên mặc đồng phục và đội mũ bảo hiểm gắn logo Grab Bike điều khiển chở theo 2 “thượng đế” (một người không đội mũ bảo hiểm) phóng như bay từ nút giao Võ Văn Kiệt – QL23 về cầu Thăng Long. Đi được một lúc, lái xe này móc trong túi áo ra một chiếc điện thoại di động rồi vừa điều khiển xe vừa chúi đầu vào điện thoại để đọc thông tin nào đó. Có nhiều đoạn, chiếc xe chở nặng bị đuối lái, loạng choạng trên đường. Tình huống này càng trở nên nguy hiểm hơn khi trên đường đang có rất nhiều ô tô lao đi với tốc độ nhanh và nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong thời gian gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của Grab, hình ảnh những chiếc xe ôm mang logo của hãng này trở nên rất phổ biến ở Hà Nội. Tuy nhiên, đi cùng với đó, tình trạng vi phạm giao thông của xe ôm Grab Bike cũng xuất hiện nhan nhản: Chở quá người quy định, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, vừa đi vừa dùng điện thoại... Mới đây nhất, ngày 22/9, tại khu vực trước tòa nhà Vincom Nguyễn Chí Thanh, một xe ôm Grab Bike chở theo một nữ hành khách trong lúc vượt đèn đỏ đã bị một chiếc ô tô đâm từ đằng sau. Lái xe may mắn thoát nạn nhưng nữ hành khách bị chấn thương nặng ở chân phải nhập viện điều trị. Chứng kiến vụ việc này, rất nhiều người đi đường đã bất bình về hành vi lái xe liều lĩnh, bất chấp an toàn của bản thân và hành khách đến từ lái xe Grab Bike trên.
Phải có chế tài để Grab chịu trách nhiệmTrao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia Giao thông đô thị của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, dù đặc thù của xe ôm Grab là thường xuyên sử dụng điện thoại để phục vụ công việc, nhưng không vì thế mà cứ để lái xe Grab Bike vừa điều khiển phương tiện vừa dùng điện thoại vô tội vạ như hiện nay. “Trong trường hợp có điện thoại, tất cả đều phải dừng xe ở nơi an toàn mới được dùng. Quy định cấm dùng điện thoại khi lái xe đã được pháp luật quy định rõ ràng từ lâu. Nhưng bản thân tôi khi đi ngoài đường cũng thường xuyên nhìn thấy lái xe Grab Bike lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay mà hầu như chẳng mấy người chịu dừng lại nghe. Họ chủ yếu và vừa lái xe vừa nghe điện thoại" - ông Đức nói.
Theo chuyên gia Giao thông đô thị của JICA, để giải quyết triệt để tình trạng trên, cách tốt nhất là phải có chế tài xử phạt hành chính thật nặng. “Ở những nước phát triển, hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại bị xử phạt rất nặng. Dù hiện nay ở Việt Nam lượng phương tiện là xe máy đang chiếm số lượng lớn, việc xử phạt sẽ gặp khó khăn nhưng đó là cách duy nhất để “điều trị” dứt điểm tình trạng này" - ông Đức nói và cho rằng, cần xây dựng một cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng và phía DN là Grab. Tại nhiều nước trên thế giới, khi lái xe Grab vi phạm giao thông thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt cả lái xe và Công ty Grab. “Vấn đề là quy định về Grab ở các nước khác nhau. Một số nơi họ quy định Grab phải quản lý luôn cả người lái xe. Tức là nếu lái xe vi phạm thì công ty sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng Grab ở Việt Nam không làm như thế. Họ cho rằng họ chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ, như kiểu tôi thuê anh chở khách còn hành trình trên đường nếu xảy ra vấn đề nào anh phải chịu”.
Muốn tiến tới việc quản lý Grab theo hướng toàn diện, ông Nguyễn Hữu Đức khẳng định nhất thiết phải có sự điều chỉnh về mặt quản lý Nhà nước đối với DN này. Cụ thể là trong Nghị định 86 sửa đổi đang được xây dựng cần đưa ra quy định quản lý Grab như một DN vận tải hành khách chứ không chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ như hiện nay. “Theo tôi, về mặt quản lý Nhà nước thì mình phải làm chặt chẽ. Rõ ràng là cần tìm cách yêu cầu Grab phải quản lý toàn bộ và chịu trách nhiệm đến cùng khi lái xe của họ vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay để xảy ra sự cố trên đường” - ông Đức nói.