Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GRDP Hà Nội quý III tăng 15,71%, nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội quý III/2022 ước tính tăng 15,71% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022, GRDP của Thành phố tăng 9,69% so với cùng kỳ.

Công nghiệp, thương mại, du lịch tiếp tục phát triển

Trong 9 tháng năm 2022, Hà Nội chủ động tích cực thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã góp phần tăng trưởng ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý III ước tăng 0,9% so với quý trước và tăng 82,9% so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng năm 2022 kinh tế Hà Nội tiếp tục phục hồi tích cực
9 tháng năm 2022 kinh tế Hà Nội tiếp tục phục hồi tích cực

Ngoài ra, trong 9 tháng, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực, chuyển biến rõ nét. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng cao so với quý trước và cùng kỳ năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.

Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,2%; khai khoáng giảm 5,7%.

Trong 9 tháng năm nay, đa số các ngành đều có sản lượng hàng hóa tăng do doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh công suất hoạt động để nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng, góp phần nâng cao chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp 9 tháng.

Cụ thể: Sản xuất đồ uống tăng 18%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 16%; sản xuất, lắp ráp xe máy, phụ tùng xe máy và các phương tiện vận tải tăng 13,1%...

Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt 13,1 tỷ USD, tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6 tỷ USD, tăng 21,1%. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 9 tháng năm nay gồm: Hàng dệt may đạt 2,04 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1,775 tỷ USD, tăng 26,4%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,516 tỷ USD, tăng 3,5%...

Tính chung 9 tháng qua, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 1.697 nghìn lượt khách, gấp 2,3 lần cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đón khách du lịch năm nay của TP.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên

Về thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn TP thu hút 1,019 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký). Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.

Trong tháng 9/2022, TP Hà Nội có 2.203 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 93% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 10%. Cộng dồn 9 tháng qua, Hà Nội có gần 22.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký đạt 241.700 tỷ đồng, tăng 2%.

Ngoài ra, có hơn 8.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 0,3%; cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục giải thể cho 2,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 19%, bên cạnh gần 13.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp gặp khó khăn, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dư nợ cho vay chương trình tín dụng trên địa bàn TP theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 20,9% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,1%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9,0%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,2%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,4%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,5%....

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy: Có 36,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý II. Quý IV là thời điểm các doanh nghiệp công nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao dịp cuối năm. Hiện có 43,8% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý IV sẽ tiếp tục tốt hơn so với quý III; 45% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ 11,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công

Quý III/2022, Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP quý III tăng 17,7% so với quý trước, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước địa phương quản lý quý III tăng 12,9% và 38,5%.

Hoạt động xây dựng trong quý III có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, TP Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại các doanh nghiệp và hộ dân cư trên địa bàn, việc cải tạo, xây mới nhà xưởng, công trình để ở cũng được khẩn trương thực hiện.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 ước thực hiện 244.100 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh công tác quyết toán những dự án hoàn thành; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên trong đó ưu tiên các nhiệm vụ chi phục hồi kinh tế.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước và Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội TP quý III và 9 tháng năm 2022 tiếp tục phát triển tích cực.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2022, trong những tháng cuối năm, TP yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc văn bản, chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch, chương trình của TP về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm... Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp.