GS.TS Nguyễn Thu Vân: Kỳ vọng vaccine Covid-19 “made in Vietnam” giữa năm 2022

Thanh Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang là mối lo ngại trên toàn cầu, nhiều quốc gia và tập đoàn, trong đó có Việt Nam đã chạy đua nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống dịch nguy hiểm này. Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Thu Vân - Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine sử dụng cho người, nguyên Giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế - Vabiotech về tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa virus corona mới của Việt Nam.

 GS.TS Nguyễn Thu Vân
Việt Nam chậm một nhịp
Vaccine phòng Covid-19 đang là vấn đề nóng của thế giới để giải bài toán khống chế được dịch. Thưa bà, đến thời điểm này, tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa virus corona mới của Việt Nam ra sao?

- Hiện nay, ở Việt Nam có 4 cơ sở (Vabiotech, Ivac, Nanogen và Polyvac) đang nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19. Mỗi cơ sở nghiên cứu có cách tiếp cận công nghệ khác nhau. Đây là các công nghệ tiên tiến của ngày hôm nay chắc chắn sẽ tạo ra được những vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả khi tiêm trên người.

Về tiến độ, theo tôi đánh giá, Việt Nam đi chậm hơn so với các nước khác một nhịp. Bởi dịch Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Sau khi Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của đại dịch, trên cơ sở nghiên cứu của Chính phủ, các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu mới bắt tay vào nghiên cứu vaccine Covid-19. Đến nay, Việt Nam mới ở giai đoạn tiền lâm sàng. Nghĩa là Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm và xây dựng quy trình sản xuất, kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cũng chưa có đầy đủ và hoàn thiện.

Việc Việt Nam bắt tay vào nghiên cứu vaccine Covid-19 chậm là có lý do riêng. Đó là do chúng ta thiếu nguồn lực về mọi mặt, đặc biệt là kinh phí. Các nước trên thế giới đầu tư nguồn lực rất lớn, nhưng chúng ta, kinh phí dành cho nghiên cứu vaccine rất hạn chế. Tôi cho rằng, ngay khi xảy ra dịch, cơ quan quản lý cần kêu gọi các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine và định hướng các đơn vị này nghiên cứu vaccine Covid-19. Ở đây, chúng ta phải chờ đợi sự tài trợ trong nước và quốc tế, hợp tác quốc tế nên tiến độ có phần bị chậm.

Về cách tiếp cận vaccine Covid-19, mỗi cơ sở sản xuất, nghiên cứu có cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay, vaccine Covid-19 trên thế giới chủ yếu dùng những công nghệ chính (như công nghệ gen, công nghệ véc tơ (véc tơ virus, véc tơ vi khuẩn, véc tơ nấm men). Nhưng dù là cách tiếp cận nào thì các cơ sở sản xuất vẫn áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đều có khả năng đưa ra thành công vaccine Covid-19 đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, các đơn vị phải xây dựng, thẩm định quy trình sản xuất rất chặt chẽ để có một vaccine tinh khiết, an toàn.

Hiện nay, vaccine Covid-19 “made in Vietnam” đáp ứng tốt, chuẩn bị tiêm thử trên người đang được rất nhiều người kỳ vọng. Nếu thử nghiệm thành công, Việt Nam sẽ tạo nên một bước ngoặt mới trong nền y học hiện đại. Đây chính là những tín hiệu khả quan?

- Tính đến thời điểm này, theo báo cáo của các cơ sở cho thấy, điều kiện an toàn, đáp ứng miễn dịch của cơ sở sản xuất vaccine rất tốt. Chỉ còn điều kiện thử nghiệm thử thách chủng virus sống và độc nếu tốt, các cơ sở đạt đầy đủ tiêu chí đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Theo kinh nghiệm của tôi, khi số liệu tiền lâm sàng tốt trên động vật thực nghiệm tốt thì việc thử nghiệm trên người cũng rất tốt (đặc biệt quan tâm đến yếu tố an toàn trên người).

Với những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phát triển vaccine hiện nay, nếu mọi thứ đều suôn sẻ, thuận lợi thì sau bao lâu, Việt Nam sẽ tiếp cận được vaccine Covid-19 "made in Vietnam", thưa bà?

- Nếu Việt Nam thật sự nỗ lực và cố gắng, mọi thứ đều thuận lợi thì trong 4 tháng tới, chúng tôi hy vọng, Việt Nam có thể hoàn thành hồ sơ tiền lâm sàng (toàn bộ số liệu đánh giá trong phòng thí nghiệm về những tiêu chí đạt yêu cầu), và đến quý II/2021, Việt Nam có thể thử nghiệm lâm sàng trên người.

Vaccine Covid-19 sau khi được cấp phép sẽ tiêm cho một lượng người rất lớn, khác với các loại vaccine khác nên việc thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi rất thận trọng. Thế giới đã bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và cũng có những vấn đề xảy ra khi thử nghiệm đối với một số vaccine ở một số quốc gia.

Với tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cam kết, nếu Việt Nam sản xuất vaccine Covid-19 thành công, thì Bộ Y tế sẽ hỗ trợ hết sức để rút ngắn toàn bộ các công đoạn xuống ngắn nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo về nguyên tắc để có được vaccine an toàn và tốt.
Lấy mẫu huyết thanh của chuột để tiêm dự tuyển Vaccine Covid-19. Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, cấp phép, các kết quả trong phòng thí nghiệm tốt và đạt yêu cầu thì phải đến quý II, quý III/2022, Việt Nam mới có vaccine Covid-19 "made in Vietnam" (được cấp phép và bắt đầu đưa vào sản xuất công nghiệp). Tuy nhiên, với nền sản xuất công nghiệp hiện nay, các cơ sở cũng chỉ sản xuất số lượng có hạn, chưa thể sản xuất được nhiều vaccine, đáp ứng nhu cầu toàn dân. Tôi nghĩ, với các cơ sở sản xuất vaccine, Việt Nam có thể đủ cung cấp cho những đối tượng ưu tiên. Nếu muốn đáp ứng nhu cầu toàn dân phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam cần phải đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong khi, đầu tư cho một cơ sở sản xuất vaccine không chỉ là kinh phí mà còn nhiều yếu tố khác (con người, thẩm định, quy trình, máy móc đưa vào chạy thử).

Khó nhập khẩu vaccine Covid -19

Tình hình dịch Covid-19 tạm ổn định, theo bà, Việt Nam nên chờ vaccine Covid -19 trong nước để tiêm chủng, tiết kiệm chi phí hay vẫn đặt mua của nước ngoài?

- Tôi nghĩ yếu tố này, Việt Nam không thể quyết định được. Nghĩa là, Việt Nam không chờ vaccine Covid-19 trong nước nhưng nếu muốn mua thì cũng không thể mua được. Bởi hiện nay, số nhà sản xuất đã có vaccine Covid-19 trên thế giới không nhiều. Trong khi, mỗi nhà sản xuất đều sản xuất ra loại vaccine riêng. Nếu Việt Nam muốn đặt mua vaccine của nước ngoài, thì Chính phủ cần phải cân nhắc những tiêu chí như điều kiện bảo quản và hạn sử dụng.

Mặt khác, không phải Việt Nam muốn nhập vaccine là nhập được. Bởi vì số lượng vaccine các cơ sở sản xuất được cấp phép không có nhiều. Hiện nay, một số nước được cấp phép, họ đã nhận được quá nhiều đơn đặt hàng. Mới đây, trên thế giới cũng thành lập tổ chức Cơ chế COVAX toàn cầu (Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19), đơn vị tổ chức, phân phối đảm bảo tính công bằng cho toàn bộ người dân ở các quốc gia. Việt Nam muốn nhập vaccine Covid -19 phải thông qua tổ chức này. Trong khi, COVAX cũng có tiêu chí cung cấp vaccine cho các nước, ưu tiên cho những quốc gia đang gặp đại dịch. Với những nước dịch Covid-19 tạm thời khống chế được như ở Việt Nam (không có ca bệnh trong cộng đồng, chỉ có ca nhập cảnh) thì cũng không thể nằm trong danh mục ưu tiên hàng đầu.

Xin cảm ơn bà!

Để đối phó, ngăn chặn dịch Covid -19 (trong thời gian chờ vaccine Covid-19), mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình. Đồng thời, người dân cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những khuyến cáo của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn. Đây chính là việc làm bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Thu Vân 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần