Hà Nội - nguồn cảm hứng bất tận
Những ngày cuối tuần, Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút nhiều du khách. Nhiều người đã cao tuổi, cũng có những thanh niên, thiếu nhi cùng người thân đến để ngắm nhìn những tác phẩm đạt giải trong Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Trực tiếp tham gia cuộc thi, ngắm nhìn những tác phẩm trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Nguyễn Công Quang (Hà Nội) chia sẻ, những năm qua, Hà Nội có nhiều cuộc thi về sáng tác tranh cổ động tuyên truyền vào những dịp lễ lớn như kỷ niệm 990, 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; 60, 65 rồi 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
"Môi năm, tôi thấy tranh cổ động ngày càng đẹp hơn, thu hút được nhiều họa sĩ, tầng lớp Nhân dân, đặc biệt các bạn sinh viên cũng háo hức tham gia. Lớp trẻ đang ngày càng mong muốn đóng góp công sức của mình để tuyên truyền, lan tỏa tình yêu, hình ảnh Thủ đổ và cả nước" - họa sĩ Nguyễn Công Quang chia sẻ.
Nhiều họa sĩ chia sẻ, khi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền, họ nhớ đến bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao; hồi tưởng về ký ức thiêng liêng của Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng tại sân Cột Cờ (nay là Hoàng thành Thăng Long)… Có người liên tưởng đến 5 cửa ô như 5 cánh sao vàng giữa rừng hoa, rừng cờ Tổ quốc khi đoàn quân tiến về.
Từ những liên tưởng đó, bằng bút pháp, bố cục, màu sắc đa dạng, các họa sĩ đã thể hiện các tác phẩm phong phú về nội dung, có phong cách mỹ thuật mới, vượt qua lối mòn cũ trong sáng tác tranh cổ động. Tiêu biểu có thể kể đến như tác phẩm “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô – Hòa bình, hạnh phúc” của tác giả Phan Thị Nga; “Hà Nội mãi khắc ghi lời Bác” của tác giả Nguyễn Trung Kiên; “Hà Nội trái tim của cả nước – Thành phố vì hòa bình” của tác giả Bạch Thị Lợi...
Hoạ sĩ Nguyễn Công Quang chia sẻ: “Mùa Thu đã đi vào rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật nhưng chưa thể nói hết vẻ đẹp ở Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi ngày càng yêu quý mảnh đất này hơn. Tôi có niềm tin sâu sắc, Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, xứng tầm một Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại”.
Đổi mới, sáng tạo
Theo các chuyên gia, những tác phẩm tham gia cuộc thi vẫn sử dụng hình tượng, biểu tượng, tín hiệu đồ họa thường thấy nhưng các tác giả đã có sự thay đổi nhất định.
“Chúng tôi nhận thấy có tinh thần lãng mạn, hào hoa trong các hình ảnh được lựa chọn. Cũng là chim bồ câu, cũng là con số 70, cũng là những hình ảnh quen thuộc về Thủ đô nhưng rõ ràng lần này chúng ta thấy có sự chắt lọc, chuyển biến, toát lên nét vừa khỏe khoắn, vừa tinh tế và đặc biệt có tính lãng mạn, hào hoa thể hiện rất rõ. Nhiều bộ tranh cổ động có tứ rất lãng mạn như một bài hát. Đó là những điểm mà Hội đồng thống nhất đánh giá rất cao những điểm mới trong cuộc thi này. Sự đóng góp của các tác giả là rất lớn để tạo nên thành công của cuộc thi” - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Nghĩa Phương chia sẻ.
Ban Tổ chức đã lựa chọn được 26 tác phẩm tiêu biểu để trao giải. Trong đó, giải thiết kế logo được trao cho tác giả Nguyễn Công Quang. Tác phẩm này đã được Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy, UBND TP Hà Nội nhất trí chọn làm biểu trưng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Biểu trưng dùng hình ảnh chính là con số 70, với ý nghĩa 70 năm Giải phóng Thủ đô, cùng hình ảnh cột cờ Hà Nội và lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ; dòng chữ “Giải phóng Thủ đô”, dòng chữ số 1954 - 2024 dưới chân logo.
Về Giải sáng tác tranh cổ động, Ban Tổ chức trao 3 giải Nhất cho các tác giả Phan Thanh Nga, Lê Thuận Long, Phạm Ngọc Mạnh; 5 giải Nhì, 7 giải Ba, 10 giải Khuyến khích.
Thông qua cuộc thi này, Ban Tổ chức đã tuyển chọn được 1 logo nhận diện và 70 tác phẩm tranh cổ động có chất lượng tốt để phục vụ công tác tuyên truyền và tuyên truyền cổ động trực quan. Qua đó làm đẹp cảnh quan đô thị tại các vị trí trọng điểm của TP, tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan và người dân Thủ đô trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.