70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Đông, 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu bị xử phạt

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Một tháng qua, các cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Trong 148 đơn vị kiểm tra, có 9 cơ sở vi phạm, số bị xử phạt 5 cơ sở.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra

Theo Bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, kể từ cuối tháng 8 quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra, quận đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các hình thức tuyên truyền qua loa phát thành, đài, băng rôn, lồng ghép lớp bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm với các hội nghị.

Cùng với đó, 2 đoàn của quận đã chia ra kiểm tra toàn bộ 17/17 số phường trên địa bàn. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu được kiểm tra là 148 đơn vị, hộ gia đình.
 Đoàn công tác kiểm tra ATVSTP kinh doanh bánh trung thu tại quận Hà Đông.
Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đã có ý thức chấp hành các qui định về ATTP như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; phiếu kiểm nghiệm lý hoá, vi sinh; công bố hoặc tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP; hợp đồng, hóa đơn mua nguyên liệu thực phẩm đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ… Điều kiện vệ sinh tương đối sạch sẽ.

Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều kinh doanh các loại sản phẩm bánh rõ nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn đúng quy định, có khay và tủ kính bảo quản.

Điều kiện sản xuất, kinh doanh hạn chế

Tuy người sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đã chủ động thực hiện các điều kiện về ATTP theo các quy định của nhà nước như đã nói ở trên, song việc chấp hành tại các cơ sở còn bị hạn chế.

Trên địa bàn quận có 4 cơ sở sản xuất, trong đó chỉ có 1 cơ sở sản xuất lớn là Bảo Lộc. Tại đây việc chấp hành mọi điều kiện về ATTP đều bảo đảm như khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên cho người lao động, bảo đảm đủ các điều kiện hồ sơ sản xuất, nguyên liệu rõ nguồn gốc, nhà xưởng bảo đảm.

Các cơ sở còn lại chỉ sản xuất mang tính thời vụ với thời gian sản xuất từ 2 – 4 tuần trong 1 mùa trung thu. Do đó, hầu hết đều không bảo đảm về nhà xưởng sản xuất chật hẹp, thường chung với sinh hoạt gia đình nên việc sắp xếp còn chưa ngăn nắp.
 Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu ở trước cửa siêu thị Mega Market Hà Đông không tránh khỏi ánh nẵng chiếu rọi và côn trùng xâm nhập, bụi bẩn.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh bánh trên địa bàn bày bán trên các vỉa hè đều vi phạm về điều kiện bảo quản bánh không bảo đảm. Đây đều là những gian hàng bán bánh của các DN lớn như: Kinh đô, Hữu Nghị, Bánh mứt kẹo Hà Nội, Bảo Ngọc, Madam Hương… Đây đều là những cơ sở sản xuất bánh có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, các đơn vị này đều thuê lại sảnh nhà chung cư, diện tích đất của chủ đầu tư bất động sản để kinh doanh ngay trên hè phố. Những gian hàng này đều không đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho bánh như: Tránh ánh nắng mặt trời khiến bánh nhanh hư hỏng, tránh bụi bẩn, tránh côn trùng xâm nhập vào bánh …

Do các cơ sở không vi phạm trật tự lòng đường vỉa hè nên quận không có biện pháp xử phạt mà chỉ tuyên tuyền nhắc nhở đơn vị kinh doanh. Đồng thời tuyên truyền cho người dân không mua bánh ở những nơi bán hàng không bảo đảm ATTP.

Một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bán tổng hợp hàng hoá không bảo đảo các điều kiện vệ sinh ATTP, quận đã lập biên bản 9 cơ sở. Trong đó cảnh cáo 4 và xử phạt 5 cơ sở, với số tiền phạt là 10 triệu đồng. Những cơ sở xử phạt chủ yếu vi phạm không khám sức khoẻ cho người bán hàng, không có biện pháp phòng chống côn trùng độc hại.

Như vậy, việc kinh doanh bánh trên vỉa hè, trước cửa siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Điều này không chỉ diễn ra ở Hà Đông mà ở mọi tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội mỗi mùa trung thu đến.