KTĐT - Một loạt các nhà mạng mới ra đời với không ít lợi thế về công nghệ đã khiến những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn phải e dè.
Giữa tuần này, 2 ông lớn trong ngành viễn thông là Viettel Telecom và Vinaphone đồng loạt tung ra 2 cuộc "hạ giá" cước khá hấp dẫn.
Theo như tuyên bố của họ, đây là chiến dịch "hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế vừa mới hồi phục". Đành rằng, mọi động thái của các nhà mạng nói riêng và các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nói chung đều luôn luôn tốt cho khách hàng. Đành rằng mức giá cước ngày một rẻ hơn luôn là kỳ vọng của người tiêu dùng, đặc biệt là các "thượng đế chung thủy". Vậy nên, việc đưa ra các chiến dịch giảm giá cước và các gói cước ưu đãi của các "đại gia" rất được dư luận hưởng ứng. Nghe thì có vẻ rất "hào phóng", tuy nhiên những người biết về nghề viễn thông thì không khỏi có những suy nghĩ trái chiều.
Trước hết, áp lực cạnh tranh giữa các mạng viễn thông đang ngày càng cao khi mà cơ hội cung cấp dịch vụ không còn là độc quyền của các "ông lớn". Một loạt các nhà mạng mới ra đời với không ít lợi thế về công nghệ đã khiến những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn phải e dè. Các nhà mạng sinh sau đẻ muộn luôn biết trước các hạn chế của mình khi mà thị phần gần như đã có chủ. Cách tốt nhất để tìm kiếm khách hàng của họ vẫn là vấn đề chất lượng sóng và giá cước. Đây chính là mối quan ngại của những nhà hoạch định chiến lược dài hơi trong các tập đoàn viễn thông lớn. Họ thừa hiểu rằng, "dừng lại" tức là đi xuống. Vậy nên, họ luôn luôn cố gắng để "làm mới" mình. Dịch vụ hậu mãi và chính sách giá cước là một trong những cứu cánh. Trong cuộc chơi giá này, họ luôn là người có lợi thế, bởi bề dầy kinh nghiệm và sự tích lũy lợi nhuận của nhiều năm có mặt trên thương trường.
Thứ nữa, việc giảm giá của các nhà mạng lớn đã thực sự thấp hay chưa? Đó là câu hỏi mà người tiêu dùng cần được trả lời. Có ý kiến cho rằng, mức giảm giá đó vẫn đem lại lợi nhuận rất khả quan. Nếu ai tìm hiểu sâu về ngành viễn thông sẽ thấy, trong quá trình thâm nhập thị trường nhiều năm qua, họ đã có khoản lợi nhuận khổng lồ. Một nhà mạng lớn từng có doanh số hàng chục nghìn tỷ đồng/năm với ít nhất 20% là lợi nhuận ròng. Một nhà mạng khác đứng hàng nhất nhì ngành viễn thông cũng cho biết, 2 năm kinh tế khó khăn như 2008 và 2009 vừa qua, lợi nhuận mỗi năm của họ cũng ở mức từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng.
Những con số đó cho thấy rằng, các cuộc "đại hạ giá" hiện nay vẫn chưa ăn nhằm gì với những lợi nhuận mà các nhà mạng thu được từ phía khách hàng. Vậy nên, đừng vội mừng!