Nỗi lo về sức khỏe DN
Các DN hiện đang đứng trước 4 thách thức, trước hết đó là phần lớn các DN đang có nợ cũ lớn với lãi suất cao. Số nợ này hoặc đã đến hạn nhưng chưa trả được, hoặc DN muốn trả để được vay mới (ở ngân hàng thương mại đang vay hoặc chuyển sang vay ở ngân hàng thương mại khác) có lãi suất thấp hơn, nhưng không dễ, mặc dù một số ngân hàng thương mại đang cơ cấu lại nợ, hoãn nợ...
Bên cạnh đó, lãi suất vay mới tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao; quan trọng hơn, DN vẫn khó đáp ứng được các điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, trong các DN đã xuất hiện tâm lý chờ cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm mới vay. Trong khi đó, tiêu thụ đang là khâu khó khăn lớn nhất hiện nay của DN. Thực tế, việc chống lạm phát thời gian qua tập trung cho giảm tổng cầu, trong khi tốc độ tăng của tổng cung cũng bị "co lại" do thắt chặt chính sách tiền tệ. Chính vì thế hiện nay, đã đến lúc phải lo cho việc chống nguy cơ suy giảm tăng trưởng, thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý. Ngoài ra, việc những thông tin về đề xuất sẽ có một gói kích cầu, nhưng không thể có quy mô lớn, kéo dài và phạm vi rộng như năm 2009 cũng đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của lãnh đạo nhiều DN.
Giải cứu thị trường lao động
Theo thống kê của ngành Lao động, tính đến cuối quý I, đã có khoảng 12.000 DN phải ngưng sản xuất hoặc giải thể; trung bình mỗi DN có khoảng 20 lao động, thì ước tính sẽ có khoảng 240.000 lao động bị mất việc hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động và những người ăn theo. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, làm tăng mạnh lượng tồn kho của các DN. Điều đó chẳng những tác động đến suy giảm tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề về an sinh xã hội khác. Vì vậy, hạ lãi suất cho vay cũng góp phần vào việc cứu người lao động.
Ngân hàng tự cứu mình
Cứu DN nhưng thực chất hạ lãi suất cũng là giải pháp để các ngân hàng thương mại tự cứu mình. Trước hết đó là giải cứu tình trạng ế vốn hiện nay tại nhiều ngân hàng. Biểu hiện tổng hợp nhất là dư nợ tín dụng cuối quý I năm nay so với cuối năm trước bị giảm 1,96%; Nợ xấu của các ngân hàng thương mại gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 3,1% lên 3,4% theo tính toán của Việt Nam (còn theo tính toán của một số tổ chức quốc tế cao gấp khoảng 3 lần con số trên). Những tài sản bảo đảm như nhà đất, ô tô… còn an toàn. Thậm chí, đã có những cảnh báo về cái "chết" của không ít DN bất động sản chủ yếu do sản phẩm không tiêu thụ được, "đáy" của thị trường còn đang ở phía trước, còn kéo dài, sẽ kéo nhiều DN thuộc nhiều ngành khác có thể bị "chết" theo, như những DN xây dựng, DN sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Trong khi nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Thực tế một số ngân hàng thương mại, cùng với việc hạ lãi suất cho vay, đã thực hiện tái cơ cấu lại nợ cho khách hàng, giãn, hoãn hoặc cho vay mới để trả nợ cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ cấu lại ngân hàng là một trong 3 trọng tâm của cơ cấu lại, thậm chí đang là nội dung cấp bách nhất hiện nay. Cơ cấu lại nói chung và cơ cấu lại ngân hàng đòi hỏi phải tốn kém một lượng kinh phí không nhỏ. Hiện chưa có công bố chính thống về số dự kiến, nhưng có chuyên gia đã tính đến 5- 6% GDP, tức là tương đương với 5- 6 tỷ USD. Chính vì thế, các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay cũng là tự cứu.q