Theo thống kê của các sở ngành, năm 2019, đã có 38 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ được tổ chức. Theo đó, 1.330 lao động nông thôn đã được đào tạo nghề. Thời gian truyền nghề, cấy nghề là 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành. Giáo viên là các nghệ nhân, thợ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Kết thúc truyền nghề, cấy nghề, có 1.064 lao động (tương đương 80% tổng số lao động được truyền nghề) được các cơ sở sản xuất bố trí việc làm với thu nhập ổn định.
Cũng trong năm 2019, các sở ngành đã phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề cho 6 làng nghề truyền thống đã được công nhận trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả, gần 100% các hộ sản xuất làng nghề đã được tập huấn kiến thức về thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và công tác xây dựng quảng bá thương hiệu làng nghề.
Ngoài ra, có 5 làng nghề đã xây dựng được biểu tượng logo cho sản phẩm làng nghề; 1 làng nghề đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể làng nghề tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019 với quy mô 650 gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ 26 tỉnh, TP trong nước và 7 nước trên thế giới…
Bên cạnh đó, các sở ngành đã phối hợp với hội, hiệp hội ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội triển khai hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tham gia Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ gia dụng tại TP Hồ Chí Minh; tổ chức cho 4 đoàn tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 4 tỉnh, TP…