70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội: 3 quận công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn TP có chiều hướng thuyên giảm nhiều. Đến nay, đã có 238 xã, phường (chiếm 53% tổng số xã phường có dịch) và 3 quận gồm: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.

Hà Nội đã tiêu hủy 27% tổng đàn lợn vì dịch tả châu Phi
Cụ thể, trong tuần (12 - 18/8), bệnh DTLCP phát sinh mới tại 204 hộ, cơ sở chăn nuôi, 3 thôn; làm mắc bệnh, tiêu hủy 1.871 con với trọng lượng 129.928kg. So với tuần trước, số lợn mắc DTLCP phải tiêu hủy ít hơn 3.379 con.
Như vậy, lũy kế đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 29.048 hộ chăn nuôi (chiếm 36% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.323 thôn, tổ dân phố/447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 506.057 con (chiếm 27 % tổng đàn) với trọng lượng 34.775 tấn. Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 66.313 con, chiếm 13 % tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn TP.
Công tác phòng, chống bệnh DTLCP đã được Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh.
Đến nay, đã có 238 xã, phường (chiếm 53% tổng số xã phường có dịch) và 3 quận (Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, các địa phương và cơ quan chuyên môn cần phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống, xử lý dịch bệnh; các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong việc kê khai, trọng lượng tiêu hủy và thanh toán kinh phí hỗ trợ. Tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào TP và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động TP để thực hiện việc tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông tại các trục đường giao thông trên địa bàn TP. Tăng cường thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.