Hà Nội: Áp lực tái đàn vật nuôi phục vụ thị trường dịp cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong khi đó, việc tái đàn vật nuôi trên địa bàn Hà Nội đang gặp nhiều áp lực do giá thịt gia súc, gia cầm xuống thấp, chi phí sản xuất tăng cao, dịch bệnh phức tạp… tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt thực phẩm dịp cuối năm.

Nhiều rủi ro khi tái đàn
Bình thường như mọi năm, đây là thời điểm anh Đồng Văn Đạt ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức vào đàn hơn 2.000 con gà ta để phục vụ thị trường Tết. Thế nhưng năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, anh đành quyết định “treo chuồng” để tránh thua lỗ.
“Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chúng tôi đang trong tình trạng vừa nuôi vừa nghe ngóng thông tin thị trường. Đa số đều lo ngại đầu ra sẽ gặp khó khăn nên không dám tái đàn mạnh như mọi năm” - anh Đồng Văn Đạt cho hay.
Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhiều năm thốt lên rằng, chưa khi nào người chăn nuôi khó khăn như giai đoạn này. Giá vật nuôi giảm mạnh, tiêu thụ chậm, chi phí chăn nuôi tăng cao khiến nhiều người chăn nuôi lớn lỗ hàng tỷ đồng. Vì vậy, tâm lý bất an, dè dặt tái đàn là tình trạng chung của người chăn nuôi thời điểm này. Hiện giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng 16 - 30% so với cùng kỳ năm trước và vẫn tiếp tục tăng.
Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo khảo sát thị trường, hiện nay, giá các loại thịt gia súc, gia cầm đều giảm, trong đó, giá lợn hơi về mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019 đến nay, dao động 35.000 - 45.000 đồng/kg. Giá gia cầm cũng giảm mạnh, đặc biệt là gà lông trắng hiện nay đã tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ vì chi phí sản xuất đã gần 30.000 đồng/kg.
Không chỉ khó khăn về thị trường, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên vật nuôi cũng khiến người chăn nuôi bất an. Từ đầu năm tới nay mặc dù tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều ổ dịch nhỏ lẻ như dịch cúm gia cầm, dịch viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi.
Theo thống kê, toàn TP đã phải tiêu hủy 69.000 con gia cầm, bùng phát 11 ổ dịch viêm da nổi cục tại 4 huyện. Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát cao nhất. Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 10/2021, Hà Nội đã phải tiêu hủy 635 con lợn với tổng trọng lượng 24.993kg ở huyện Ba Vì. Hiện dịch bệnh này chưa  có dấu hiệu dừng phát sinh, nguy cơ lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo, từ nay tới cuối năm, thời tiết chuyển rét, độ ẩm cao, do đó nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên các loại gia súc, gia cầm rất cao, đặc biệt ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi lo ngại khi tái đàn.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhu cầu tăng cao về thực phẩm dịp cuối năm, việc duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm để chủ động, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để đạt được nhiệm vụ này, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, chủ trang trại chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ kép trong chăn nuôi, đó là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển chăn nuôi.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, thời gian qua trên địa bàn huyện liên tiếp phát sinh các ổ dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình đó, huyện đã đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ 3.000 lít (kg) thuốc sát trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã đang bị phát sinh dịch bệnh, vùng nguy cơ cao.
Cùng với đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn cơ sở chăn nuôi vừa bảo đảm sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn, yêu cầu người lao động ăn, nghỉ và làm việc tại chỗ để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố lên phương án kết nối, tiêu thụ gia súc, gia cầm cho người dân.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội với khoảng 10 triệu dân nhu cầu sử dụng thịt lợn khoảng 19.260 tấn/tháng (khả năng đáp ứng 98,6%); thịt trâu, bò nhu cầu một tháng là 5.350 tấn/tháng (khả nằng đáp ứng 19,6%); thịt gia cầm nhu cầu là 6.198 tấn/tháng, đáp ứng 13.500 tấn/ tháng… Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên khoảng 35%.
Với tốc độ tái đàn như hiện nay, cùng với việc liên kết tiêu thụ với một số tỉnh thành, tạm thời TP chưa lo thiếu hụt thực phẩm dịp cuối năm. Đặc biệt, hiện nay các cửa hàng ăn uống, cơ quan, đơn vị... được hoạt động trở lại trong tình hình mới, kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao, sẽ giải quyết bài toán về đầu ra và giá cả cho ngành chăn nuôi. Từ đó khích lệ người dân yên tâm tái đàn.
Theo kế hoạch, TP phấn đấu duy trì đàn bò 164.000 con, đàn lợn 1,8 triệu con, đàn gia cầm khoảng 41 triệu con... Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương phát triển chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, trang trại; thúc đẩy việc tái đàn và hạn chế rủi ro từ tình trạng “dịch chồng dịch”. Cùng với đó là tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở chăn nuôi, DN lưu thông sản phẩm; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng của một số địa phương để tiêu thụ qua các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi thực phẩm, các chợ đầu mối.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần