Hà Nội ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong đảm bảo an sinh

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 27/10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì Hội nghị giao ban quý 3/2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU phát biểu tại hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU phát biểu tại hội nghị

Dự Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cùng đại diện một số sở, ngành, quận, huyện.

 Hoàn thành 20/27 chỉ tiêu trong Chương trình

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo), trong 9 tháng năm 2023, các thành viên Ban chỉ đạo đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 19 văn bản liên quan đến Chương trình số 08-CTr/TU.

Các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được TP ban hành. Đến nay đã có 20/27 chỉ tiêu (chiếm 74% tổng số chỉ tiêu) hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 (tăng thêm 1 chỉ tiêu so với 6 tháng đầu năm 2023).

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mục tiêu còn dưới 3%; tỷ lệ giải quyết việc làm đạt 107% kế hoạch (đến tháng 9/2023 TP giải quyết việc làm cho 171.228 lao động); đến đầu năm 2023 TP cơ bản không còn hộ nghèo, có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 3 quận không còn hộ cận nghèo.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Cùng với đó, tỷ lệ cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời đạt 100% từ đầu năm 2021 đến nay. Thời gian qua, TP đã thăm hỏi kịp thời các gia đình có người bị thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong các vụ hỏa hoạn… với kinh phí hỗ trợ 597,75 triệu đồng. Ngoài ra Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ các cấp cùng ban ngành, đoàn thể địa phương đã thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất kịp thời các gia đình gặp rủi ro.

Đặc biệt, vụ cháy xảy ra ngày 12/9/2023 tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP đã kịp thời tổ chức các đoàn thăm hỏi, hỗ trợ đối với các gia đình có người tử vong và bị thương. Đồng thời HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy ngày 12/9/2023 tại địa chỉ số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cùng với đó, có 2 chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch năm 2023; có 3 chỉ tiêu đang triển khai thực hiện theo tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2023.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, qua thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội được quan tâm đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. TP quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh, góp phần tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

 Chủ tịch Hội LHPN TP Lê Kim Anh phát biểu tại hội nghị
 Chủ tịch Hội LHPN TP Lê Kim Anh phát biểu tại hội nghị

Tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ các chỉ tiêu khó

Cùng với những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU cũng nêu một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như số người tham gia BHXH, BHYT đã gia tăng, tuy nhiên số còn phải thực hiện từ nay đến cuối năm còn cao; việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trong chương trình còn chưa đảm bảo tiến độ; chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm...

Hiện có 2 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện gồm tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe và tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường.

Trong đó, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, với chỉ tiêu về tỷ lệ người dân được quản lý sức khoẻ, Chương trình 08-CTr/TU đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100%, kế hoạch năm 2023 đạt trên 94%. Đến nay đang đạt 85% (đạt 90,43% kế hoạch năm 2023; đạt 85% mục tiêu đến cuối năm 2025). Với tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường, đã được thay thế bằng Chương trình sức khỏe học đường. Sở GD&ĐT đề nghị thay thế bằng chỉ tiêu “90% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định”.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi về giải pháp thực hiện để tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ tiêu đã đạt và giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu hiện đang gặp khó khăn.

Phát biểu kết luậnc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU ghi nhận những kết quả trong thực hiện các chỉ tiêu. Đồng thời lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo phải luôn xác định công việc liên quan đến nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội là việc làm thường xuyên, cần tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, tiếp tục quan tâm tới công tác tuyên truyền với hình thức, phương pháp thiết thực, hiệu quả để người dân thấy được ý nghĩa của Chương trình. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc thực hiện hiệu quả trong triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của TP.

Cùng với đó, các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên ngành, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Đặc biệt là đánh giá các chỉ tiêu còn chậm, nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.

Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP, để đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho đời sống Nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư các dự án xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các Sở, ngành, UBND quận, huyện phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh giải quyết các thủ tục đầu tư các dự án; huy động nguồn lực để xã hội hoá đầu tư phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Phó Bí thư Thành ủy giao Sở LĐTB&XH tiếp thu ý kiến tại hội nghị, trong đó định lượng cụ thể từng công việc để theo dõi tiến độ thực hiện.