Cụ thể, bộ tiêu chí quy định rõ trình tự thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, gồm 6 bước: Kiểm tra sự phù hợp của báo cáo kết quả kiểm định so với nhiệm vụ kiểm định, đề cương kiểm định đã được phê duyệt; Kiểm tra về công tác khảo sát hiện trạng, thu thập thông tin, tài liệu về công trình (chủ quản nhà, địa chỉ, quy mô, công năng, loại kết cấu và hình dạng nhà chung cư cần đánh giá...);
Kiểm tra việc đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện, phân cấu kiện thành hai loại: Cấu kiện nguy hiểm và cấu kiện không nguy hiểm; Kiểm tra việc đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà, gồm: Các bộ phận nhà (nền móng, kết cấu chịu lực phần thân, kết cấu bao che, chia thành 4 cấp a, b, c, d), mức độ nguy hiểm của nhà chia làm 4 cấp: A, B, C, D); Kiểm tra, đánh giá việc xác định nhà chung cư không bị hư hỏng hoặc nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Tổng hợp kết quả đánh giá và yêu cầu cơ quan trình thẩm định tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ bảo đảm chất lượng và tiến độ, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành hoặc ban hành thông báo kết luận kiểm định theo quy định.
Đối với tiêu chí đánh giá nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ được quy định, gồm: Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng.
Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố: hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng, cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình gồm: móng, cột, tường, dầm, xà, không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định tại Khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở.
Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng quy định tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện nền móng, trong đó đất nền được đánh giá là nguy hiểm khi có tốc độ lún nền trong thời gian 2 tháng liên tục lớn hơn 2mm/tháng và không có biểu hiện dừng lún; nền bị lún không đều, độ lún vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn hiện hành, tường bên trên có vết nứt (do lún) có bề rộng lớn hơn 10mm và độ nghiêng cục bộ của nhà lớn hơn 1%; Móng được đánh giá nguy hiểm khi khả năng chịu lực nhỏ hơn 85% hiệu ứng tác động vào móng; móng bị mủn, mục, nứt, gãy dẫn đến kết cấu bị nghiêng lệch, chuyển vị, rạn nứt, xoắn rõ rệt..
Cấu kiện bê tông cốt thép được đánh giá nguy hiểm khi vị trí cốt thép chịu lực của dầm, sàn xuất hiện vết nứt nằm ngang và vết nứt xiên, bề rộng vết nứt lớn hơn 1mm; cốt chịu lực có vết nứt thẳng đứng, lớp bê tông bảo vệ bị bong tróc, cốt thép chịu lực lộ ra do bị ăn mòn; cột, tường bị nghiêng, chuyển vị ngang và độ nghiêng vượt quá 1% độ cao...
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm này đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Theo quy định mới của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Nhà nước sẽ bỏ tiền thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, để công tác tổ chức thực hiện được tiến hành nhanh hơn.