Tuyến đường Láng (quận Đống Đa) là tuyến đường thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nhưng ngày 31/10, tình hình giao thông ở đây đã hoàn toàn thay đổi nhờ sự tham gia điều hành giao thông của các kỹ sư Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với lực lượng dân phòng địa phương. Trong bộ đồng phục có phản quang, đội mũ bảo hiểm, sử dụng còi, cờ và hiệu lệnh, lực lượng này có mặt vào giờ cao điểm vào buổi sáng và buổi chiều ở ba điểm “nóng” gồm ngã tư Cầu Yên Hoà, Cầu Cót và Cầu 36 để điều hành giao thông. Mỗi điểm ngã tư và các điểm giao cắt được bố trí 4-5 kỹ sư. Khoảng 10 – 15 giây, các kỹ sư dùng cờ, còi và hiệu lệnh để điều hành, khi hết xe rẽ sang đường thì lập tức có hiệu lệnh của kỹ sư khác cho các phương tiện đi thẳng tiếp tục di chuyển... tạo ra sự phối hợp liên hoàn. Dưới sự điều hành của các kỹ sư, các phương tiện giao thông rất chấp hành, khiến cho tuyến đường liên tục thông suốt.
Những hiệu kệnh được các kỹ sư phối hợp rất nhịp nhàng tại ngã tư. Anh Lê Hùng Thanh (Yên Hoà, Cầu Giấy) cho biết: “Ngã tư này thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm, vì người trong ngõ đi ra, người đi đường rẽ vào ngõ, người lại đi thẳng không ai chịu nhường ai nên khi đi qua đây phải mất cả tiếng, nhưng hôm nay có lực lượng giao thông phân làn ở đây, tuyến đường luôn thông suốt, hoan nghênh lực lượng phân làn”. Rất đồng tình hộ với hành động điều hành giao thông của các kỹ sư, Chị Nguyễn Thị Hoa (Quan Hoa, Cầu Giấy) chia sẻ: “Nhìn họ rất thiện cảm, may nhờ có họ mà tôi về nhà sớm hơn được 30 phút, chứ bình thường còn phải đợi lâu vì tắc đường”. Theo quan sát của chúng tôi, vào giờ cao điểm giao thông ở các điểm này di chuyển thuận tiện, tuyến đường Láng hoàn toàn không xảy ra ùn tắc. Trao đổi với PV về hoạt động điều hành giao thông của các kỹ sư, TS. Doãn Minh Tâm – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải cho biết, đây là chương trình thí nghiệm khoa học của dự án nghiên cứu về chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội của viện do ông chủ trì.
Cuộc thí nghiệm đã thành công tốt đẹp cho đến hết giờ cao điểm. “Khi triển khai thí nghiệm này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học và đã báo cáo với Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, các cơ quan liên quan trước khi thực hiện” – TS Tâm cho biết. Cũng theo ông Tâm, đây chỉ là đợt một của thí nghiệm, các kỹ sư sẽ tham gia điều hành giao thông trong vòng một tuần, sau đó, viện sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm rồi tổ chức đợt hai. “Ngày đầu tiên đã thành công ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi khi tuyến đường Láng không hề tắc nghẽn”. Bàn về tình trạng ùn tắc giao thông, TS. Doãn Minh Tâm cho rằng nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do “dòng xe hỗn hợp”. Ông Tâm lý giải thêm: “Người ta cứ kêu là đường Hà Nội quá tải, dẫn đến tắc nghẽn, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, với khoảng 400 nghìn ô tô, hơn 4 triệu xe máy, hạ tầng giao thông Hà Nội không hề quá tải. Chỉ quá tải cục bộ vào các nút giao thông do dòng xe hỗn hợp gây ra”. Ông Tâm cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu, có 5% dòng xe cắt ngang, tỷ lệ này rất nhỏ, nhưng nếu không có điều hành giao thông thì 5% này sẽ gây tắc nghẽn. “Vấn đề ở đây là phải tổ chức điều hành giao thông. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào hệ thông đèn giao thông bất hợp lý hiện nay thì không hiệu quả, nên giải pháp tốt nhất là sử dụng người điều hành giao thông tại các điểm nút”. Theo ông Tâm, vào giờ cao điểm, nên tắt các đèn tín hiệu, dành sự điều hành giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng… “chỉ có họ mới nắm bắt được tình hình giao thông thực tế ở đó, nên điều hành mới có hiệu quả”. Để thực hiện được việc dùng người điều hành tại các nút giao thông, TS Tâm cho rằng nên thực hiện một cách xã hội hoá, huy động các lực lượng như dân phòng, thanh niên tình nguyện… tham gia. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức, tuyên truyền. Nếu như mỗi phường đều tự giải quyết được tình trạng ùn tắc trên địa bàn mình thì tình trạng giao thông ở Hà Nội sẽ được cải thiện rõ rệt” - TS. Doãn Minh Tâm khẳng định.