Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Công tác Dân số-Phát triển huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, huyện Sóc Sơn, năm 2009 chỉ có 1 xã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ là 10%, tức là vừa chạm ngưỡng già hóa. Nhưng chỉ sau 10 năm, đến năm 2019, toàn huyện đã có 26/26 đơn vị già hóa dân số, chiếm 100%.
Như vậy, tốc độ già hóa dân số của huyện Sóc Sơn rất nhanh và điều đó sẽ làm chậm quá trình phát triển chung của cả nước, của Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng. Thách thức đặt ra là rất lớn trong đó áp lực nhất là an sinh xã hội và hệ thống y tế.
Hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn tới. Đó là chỉ có khoảng 3,1 triệu/ 12 triệu người cao tuổi (tức là chỉ khoảng hơn 27%) được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng); chỉ có khoảng 1,7 triệu người cao tuổi (gần 15%) nhận các chính sách trợ cấp từ Nhà nước với khoản trợ cấp không đủ trang trải cuộc sống.
Về vấn đề chăm sóc y tế, cả nước chỉ có một bệnh viện duy nhất đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi đó là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Dịch vụ chăm sóc y tế cơ sở, các Trạm Y tế có cung cấp nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ban đầu chứ chưa đi sâu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi một cách bài bản, toàn diện và chuyên nghiệp.
Trước bối cảnh già hóa dân số đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện các các mô hình, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số, góp phần đảm bảo cơ cấu dân số trên địa bàn huyện.
Nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, từ năm 2017, huyện Sóc Sơn đã triển khai sâu rộng Đề án 818 của Bộ Y tế đồng bộ và nhất quán tại 26 xã/Thị trấn.
Với nhiều hội nghị truyền thông đã được tổ chức để giới thiệu, khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm được Bộ Y tế công nhận tốt cho sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Cán bộ dân số huyện/xã, cộng tác viên dân số được tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để trực tiếp tham gia cung cấp sản phẩm và triển khai những hoạt động, nội dung phù hợp trong các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc tại cộng đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGĐ TP, tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 tại Hà Nội là 117 trẻ trai/100 trẻ gái và đã giảm dần qua các năm. Riêng 9 tháng năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố là 112 trẻ trai/100 trẻ gái, phấn đấu tiếp tục duy trì tỷ số này đến cuối năm.
Cùng với đó, hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi cũng được đẩy mạnh, tỷ lệ khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87% phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho biết, chủ đề của ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 năm nay là “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích” thể hiện sự tôn vinh với những đóng góp của người cao tuổi trong xã hội.
Từ nay đến hết tháng 10/2023, TP phát động tổ chức kỷ niệm cao điểm rộng khắp trên địa bàn.
Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác dân số, góp phần vào kết quả giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Tại hội nghị, 100 người cao tuổi tiêu biểu trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã được biểu dương vì luôn nỗ lực vận động con, cháu thực hiện tốt chính sách dân số, nuôi dạy con cháu trưởng thành, hiếu thuận.