Hà Nội: Các đơn vị chủ động xây dựng phương án, tiêu chí an toàn phòng dịch phù hợp thực tiễn

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị của TP chủ động, khẩn trương xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện Chỉ thị này phù hợp chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tối 20/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND TP ngày 20/9/2021 về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. 
Theo đó, từ 06h00 ngày 21/9/2021điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của Thành phố. 
Hoạt động sản xuất hàng hoá phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Ảnh minh họa. 
Sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo an toàn phòng dịch
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải đảm bảo xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch. Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát phòng, chống dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR và thực hiện 5K. 
Thực hiện sản xuất, kinh doanh và các hoạt động đảm bảo theo hướng dẫn an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các quy định do Trung ương và Thành phố ban hành. 
UBND TP Hà Nội yêu cầu các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài Khu/Cụm công nghiệp: Thực hiện đầy đủ quy định của Trung ương và Thành phố; chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất an toàn đáp ứng tình hình dịch bệnh, gửi UBND xã, phường, thị trấn để quản lý, giám sát, kiểm tra; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị.
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Khu/Cụm công nghiệp: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại Khu/Cụm công nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong Khu/Cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.
Các công trình xây dựng: Căn cứ quy mô công trình, thẩm quyền quản lý, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan quản lý, hướng dẫn tổ chức hoạt động xây dựng đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra vào Thủ đô 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện Chỉ thị này phù hợp chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn tiêu chí an toàn đối với các lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh… đáp ứng công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương.
Căn cứ vào số lượng vaccine được phân bổ, phấn đấu hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân trên Thành phố nhanh nhất, an toàn, hiệu quả.
Tiếp tục chỉ đạo việc xét nghiệm, tầm soát tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bám sát tình hình dịch bệnh các tỉnh lân cận và tại các địa phương để kịp thời tham mưu, điều chỉnh các biện pháp, đảm bảo chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Nâng cao năng lực y tế các tuyến: cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
Công an Thành phố tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra/vào Thành phố như hiện nay; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành về tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân đảm bảo thống nhất, thống suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch Covid-19; không quy định thêm các thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và phục vụ sản xuất; tránh ùn tắc giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng từ trước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, lực lượng cơ sở, Tổ Covid cộng đồng, duy trì các chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”, kiểm soát chặt di biến động người dân; phối hợp với lực lượng chức năng khác kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn.
Tăng cường chỉ đạo việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố.
Bộ Tư lệnh Thủ đô thối hợp chính quyền địa phương và cơ quan liên quan tổ chức cách ly y tế theo quy định. Không để lây chéo dịch bệnh trong khu cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch, các tiêu chí an toàn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, tại các hệ thống phân phối (cơ sở kinh doanh thực phẩm thiết yếu, chợ dân sinh, các chợ đầu mối) được hoạt động.
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt; đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn; triển khai các giải pháp kích cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với các tỉnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn.
Sở Giao thông vận tải tổ chức lại hoạt động vận tải; phối hợp với Sở Công Thương đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt. Phối hợp với Công an Thành phố kiểm soát tại các chốt kiểm dịch ra/vào Thành phố. 
Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị của Trung ương, Thành phố thi công các công trình xây dựng trên địa bàn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, duy trì sản xuất nông nghiệp, các hoạt động phục vụ chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công tác thu hoạch nông sản, năng lực cung ứng nông thủy sản cho Thành phố; đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu các chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với đối tượng còn gặp khó khăn khi chưa được hỗ trợ theo các chính sách hiện hành; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố đảm bảo chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 
Sở Tài chính tham mưu đề xuất đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 theo yêu cầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Y tế xây dựng các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 an toàn tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; sẵn sàng các phương án, điều kiện đón học sinh trở lại trường. 
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, Ncovi, VietnamHealthDeclaration, VneID; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, các địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm quét mã QR.
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Y tế và Công an Thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động vận chuyển môtô, xe hai bánh ứng dụng công nghệ qua phần mềm kết nối. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định...
Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp xây dựng, triển khai phương án sản xuất an toàn trong tình hình mới.
Chủ động triển khai Chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương
UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng, chủ động quyết định và phê duyệt Kế hoạch triển khai Chỉ thị này phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương.
Khi thực hiện phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch nhanh nhất và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch. 
Duy trì hoạt động các “pháo đài” chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn; duy trì các chốt tự quản “vùng xanh” tại các thôn, xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư để kiểm soát di biến động của người dân.
Đảm bảo nguyên tắc 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với Sở Công Thương đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khi cần thiết.
Chủ động triển khai kế hoạch, phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để đáp ứng và đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở.
Thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoạt động trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa khi không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh của Trung ương và Thành phố.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn: Tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đối với từng hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Rà soát, lập danh sách người có bệnh nền, xác định vị trí các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời có các phương án phong tỏa, cách ly hoặc các biện pháp cấp bách khi tình huống xuất hiện các ca nhiễm; khẩn trương truy vết, cách ly, xét nghiệm để thu hẹp khu vực phong tỏa, đảm bảo quy mô nhỏ, quản lý chặt; duy trì yêu cầu xét nghiệm 2-3 ngày/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, rất cao và tầm soát tại các khu vực cơ nguy cơ trên địa bàn.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần