Hà Nội: Các trường đã, đang hoàn thành kiểm tra giữa kỳ 1 trực tuyến và trực tiếp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau khi thực hiện kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến, kết thúc tuần 10 của năm học 2021- 2022, mọi công tác dạy và học nửa kỳ 1 tại hầu hết các trường học thuộc Hà Nội đã hoàn thành; cơ bản đáp ứng yêu cầu, kế hoạch đề ra, đảm bảo giữ vững và kiên trì mục tiêu chất lượng.

Học sinh phổ thông tại 29 quận, huyện kiểm tra giữa kỳ trực tuyến
Căn cứ kế hoạch năm học, việc kiểm tra giữa kỳ 1 được tiến hành vào tuần 9 hoặc tuần 10; các trường tự quyết định thời gian ôn tập và kiểm tra phù hợp. Thời điểm đó, Hà Nội có nhiều thông tin về việc học sinh chuẩn bị được đi học trở lại nên công tác ôn tập, chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ 1 được các trường chủ động xây dựng kế hoach với 2 phương án trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, khi Hà Nội chính thức quyết định học sinh tại 29 quận, huyện tiếp tục học trực tuyến, các trường học xác định sẽ kiểm tra trực tuyến nên thúc đẩy công tác sẵn sàng chuẩn bị cho kiểm tra đánh giá học sinh nửa đầu kỳ 1.
 Công tác kiểm tra giữa kỳ 1 tại trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình được tổ chức nghiêm túc, bài bản
Vấn đề quan trọng nhất trong kiểm tra trực tuyến là hạ tầng mạng và ngân hàng câu hỏi; thứ đến là khâu tổ chức giám sát, coi và chấm thi. Do có kinh nghiệm từ đợt kiểm tra cuối kỳ năm học 2020- 2021 nên mọi việc đều được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi. Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình là trường THCS công lập “về đích” sớm nhất trong năm học trước đã có khâu tổ chức kiểm tra giữa kỳ trực tuyến rất bài bản bằng việc ra thông báo “Một số nội dung cần lưu ý học sinh và cha mẹ học sinh về kiểm tra trực tuyến”; trong đó có đầy đủ nội dung: Thời gian, cách thức, các bước đăng nhập - làm bài - nộp bài kiểm tra, phương án dự phòng. Đặc biệt, nhà trường nhấn mạnh đến yếu tố trung thực, đảm bảo công bằng khi làm bài kiểm tra và nêu rõ: Nhà trường sẽ hủy kết quả nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, vi phạm quy định; học sinh tắt mic không được công nhận kết quả; học sinh nào mà kết quả bài có sự sai lệch lớn so với quá trình học tập sẽ được nhà trường cho làm lại … “Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, hiệu quả, đánh giá được đúng nhất năng lực, kỹ năng của học sinh và giáo dục học sinh đức tính trung thực, nhà trường mong phụ huynh hợp tác, đồng hành, thực hiện tốt”- thông báo của nhà trường nêu.
Ngay từ đầu năm học, theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục quận Ba Đình và Ban giám hiệu, các tổ nhóm chuyên môn trường THCS Thăng Long đã chủ động xây dựng kế hoạch thi online theo đúng tiến độ, chương trình giảng dạy thực tế. Trước kỳ kiểm tra, ban giám hiệu trường tổ chức những buổi tập huấn về công nghệ thông tin, cách thức tổ chức, hình thức kiểm tra phù hợp với đặc thù môn học; các giáo viên cùng chia sẻ kinh nghiệm để bài thi đạt chất lượng và hiệu quả. Quy trình kiểm tra online được giám sát rất kỹ từ khâu ra đề, trông thi, chấm thi; học sinh cũng được sự hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ; do đó, công tác kiểm tra của nhà trường đã diễn ra suôn sẻ mà không gặp bất kỳ sự cố nào.
“Trường đã kiểm tra vào tuần 9 và tuần 10. Do nội dung học trực tuyến tinh giản hơn so với học trực tiếp nên nội dung kiểm tra đánh giá giữa kỳ 1 cũng có sự điều chỉnh linh hoạt, cấu trúc dạng đề được giảm lược nhẹ nhàng hơn để phù hợp thực tế và từng đối tượng học sinh”- Hiệu trưởng trường THPT Hợp Thanh, huyện Đức Hoàng Chí Sỹ chia sẻ.
Các trường học tại Ba Vì kiểm tra thế nào?
Từ ngày 8/11, Ba Vì là đơn vị duy nhất tại Hà Nội tổ chức cho học sinh khối 9 học trực tiếp. Đến nay, học sinh lớp 9 huyện Ba Vì đã hoàn thành trọn vẹn tuần học đầu tiên sau khi trở lại trường. Qua ghi nhận, công tác tổ chức học trực tiếp trên địa bàn toàn huyện diễn ra ổn định, có sự phối hợp chặt chẽ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương; sự chấp hành nghiêm chỉnh của học sinh cũng như công tác phối hợp, ủng hộ của phụ huynh.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, UBND huyện và phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại, các trường quan tâm công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hỗ trợ tâm lý học sinh và quan trọng hơn là tận dụng “thời gian vàng”, chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học.
“Sau thời gian dài học trực tuyến, học sinh cũng có sự phân hóa trình độ nhất định; nhóm chăm chỉ, ham học thì kiến thức tiếp thu tốt; ngược lại nhóm chưa có tinh thần tự học, tự giác cao thì kiến thức tiếp nhận chưa đầy đủ. Trong tuần đầu tiên, các thầy cô tập trung vào ôn tập, củng cố các kiến thức đã học. Vì học sinh chỉ học 1 buổi/ngày; 4 tiết/buổi nên thầy cô không có điều kiện chia nhỏ lớp để xếp theo trình độ. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, các thầy cô cũng ôn tập kiến thức từ dễ đến khó; đề giữa kỳ cũng sẽ có các mức phân hóa phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh…”- cô Phương Thị Nga, Hiệu trưởng trường THCS Châu Sơn, huyện Ba Vì cho biết.
 Học sinh lớp 9 huyện Ba Vì đã hoàn thành tuần ôn tập, chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ trực tiếp
Theo Hiệu trưởng trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì Vũ Văn Hải thì cả thầy và trò đều phấn khởi khi trường học được mở cửa trở lại với khối 9. Sau một tuần ôn tập, giữa tuần này, trường sẽ tiến hành kiểm tra giữa kỳ 1. Các khâu làm đề, duyệt đề, in đề đã hoàn tất. Với các khối học trực tuyến, phương án kiểm tra trực tuyến cũng được chuẩn bị sẵn sàng và hoàn toàn chủ động.
Về việc khi đi học trực tiếp, nền tảng học trực tuyến được sử dụng ra sao, cô Phương Thị Nga, Hiệu trưởng trường THCS Châu Sơn cho hay: Do thời lượng học tại lớp ít nên trường vẫn tổ chức học trực tuyến 1 tuần/buổi cho học sinh khối 9 vào buổi chiều với các môn phụ để đảm bảo chương trình; còn lại dành thời gian cho học sinh tự ôn tập tại nhà; có vấn đề gì chưa hiểu, cần giảng lại, các em có thể kết nối với thầy cô. 
Về công tác kiểm tra, đánh giá khi học sinh trở lại trường cũng như duy trì nền tảng học trực tuyến và qua truyền hình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Rõ ràng, việc củng cố, bồi đắp kiến thức cho một lứa học sinh thiệt thòi từ năm ngoái, năm nay không phải việc của một sớm một chiều. Đó là công việc cần quá trình nhiều năm mới có thể củng cố, bồi đắp được, nhưng quan điểm của Bộ là đã học thì phải có kiểm tra, đánh giá; qua đó biết được những hạn chế để có hướng bồi dưỡng và khắc phục cho hợp lý… Việc dạy trực tuyến lúc này đang là một hình thức ứng phó tạm thời nhưng vẫn là một công việc lâu dài ngay cả khi dịch đã ổn định và đây là nội dung quan trọng mà ngành Giáo dục cần phải đưa vào thực hiện trong tầm chiến lược của mình…”.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các Giám đốc các Sở GD&ĐT trên cả nước về thực hiện nhiệm vụ nửa đầu học kỳ 1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các địa phương đã chủ động, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ năm học nhằm thích ứng tình hình mới và thực hiện các mục tiêu: Đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì chất lượng.
Thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên…. Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các địa phương linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cố gắng hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Tuy nhiên, dù thực hiện hình thức nào thì “kiên trì mục tiêu chất lượng” vẫn phải được cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu; trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng dạy học của các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài, phần lớn học sinh lớp 1, 2 trên cả nước đang học trực tuyến. Những lớp học này, chỉ có hai bài kiểm tra định kỳ vào cuối kỳ 1, cuối kỳ 2. Các trường cần coi trọng đánh giá thường xuyên ở cấp học này nhưng bằng cách thức phù hợp, tránh gây áp lực cho các em và tuyệt đối không để học sinh lớp 1 nào học xong chương trình vẫn không biết đọc, biết viết.