Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cải tạo hai đoạn tuyến vành đai trọng yếu

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/1, bốn dự án cải tạo, mở rộng lòng đường trên hai Vành đai: 2 và 3 đã được gấp rút thi công; dự kiến xong trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Cây xanh tại các dự án sẽ được di chuyển về trồng tại nút giao Đại lộ Thăng Long - đường 70.

Dự án nhỏ, ý nghĩa lớn
Đoạn tuyến dưới thấp từ Linh Đàm (Hoàng Mai) - Mai Dịch (Cầu Giấy) hiện là khu vực chịu nhiều áp lực giao thông nhất trên toàn tuyến Vành đai 3.
Do hai bên đường hiện đang tập trung một lượng dân cư rất lớn, với hàng loạt khu đô thị cũ, mới xen kẽ nhau. Mặt khác, mật độ phương tiện đi qua đây để đến cửa ngõ phía Nam Hà Nội hàng ngày khá dày đặc; dẫn đến UTGT thường xuyên diễn ra, đặc biệt là vào giờ cao điểm hoặc khi có thời tiết cực đoan. Tương tự, đoạn tuyến Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng) cũng là một trong những điểm yếu cố hữu trên tuyến Vành đai 2. Khu vực này, lòng đường nhỏ hẹp, trong khi nhu cầu lưu thông quá lớn nên thường xuyên UTGT nghiêm trọng trong giờ cao điểm hàng ngày.  
 Rào chắn khu vực xén hè, mở rộng đường Láng
Để giải quyết phần nào tình trạng UTGT, từ đầu năm Sở GTVT đã đề xuất và được UBND TP Hà Nội cho phép xén hè, thu hẹp dải phân cách tại hai đoạn tuyến nêu trên nhằm mở rộng lòng đường. Theo đó, hai đoạn tuyến được chia thành bốn dự án nhỏ, bắt đầu thi công từ 1/1, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Cụ thể là các dự án: Xén dải phân cách mở rộng mặt đường Phạm Hùng; dài khoảng 3,22km. Điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng- Khuất Duy Tiến; điểm cuối tại nút giao Mai Dịch; mở rộng mặt đường mỗi hướng lên thành 17m. Xén dải phân cách mở rộng mặt đường đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - nút giao Trần Duy Hưng. Bề rộng phần xe chạy mỗi hướng từ 12 - 20m. Mở rộng đường Nghiêm Xuân Yêm, đoạn từ cầu Dậu đến nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, dài 3,16km. Sau khi xén bề rộng phần xe chạy mỗi hướng khoảng 17m. Tại điểm quay đầu xe, một số điểm đã được xén dải phân cách tạo làn 3m để làm làn chờ quay đầu, làn nhập dòng tiến hành xén bổ sung từ 1,5 - 2m.
Xén hè mở rộng mặt đường Vành đai 2 (đường Láng), đoạn từ Cầu Giấy - Ngã Tư Sở, tổng chiều dài là 4km; mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m. Xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông; ngăn cách với làn đường xe cơ giới bằng dải cây xanh. 
 Rào chắn khu vực thi công xén dải phân cách đường Vành đai 3 dưới thấp
Di chuyển, trồng lại cây xanh
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn chia sẻ, trước đây, Hà Nội đã triển khai xén dải phân cách, mở rộng một số tuyến đường như: Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh. Kết quả bước đầu đã khắc phục được tình trạng UTGT vào giờ cao điểm. Do đó, UBND TP Hà Nội đã tiếp tục cho phép thực hiện xén dải phân cách mở rộng mặt đường trên hai Vành đai: 2 và 3.
“Các dự án đều phải đảm bảo từ 2 - 4 mũi thi công để đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Quá trình thi công, hàng rào tôn sẽ được dựng sát mép đường, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến lòng đường lưu thông hiện tại” - ông Tuấn cho hay. Mặt khác, nếu xảy ra UTGT nghiêm trọng thì nhà thầu thi công phải có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông.
Trong 4 dự án, chỉ có duy nhất dự án cải tạo, mở rộng đường Láng, từ Ngã tư Sở - Cầu Giấy là có cây xanh phải di chuyển. Trưởng phòng hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi sẽ di chuyển 371 cây về trồng lại ở khu nút giao Đại lộ Thăng Long - đường 70. Còn 105 cây sâu, rỗng thân, cong queo, phát triển không bình thường, đã chết hoặc không phù hợp chủng loại cây đô thị sẽ buộc phải chặt bỏ”.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát trên địa bàn các quận xem có tuyến đường nào cần thiết và phù hợp sẽ báo cáo, xin phép UBND TP Hà Nội cho xén hè, dải phân cách để mở rộng đường, giảm UTGT.
Bốn dự án xén hè, xén dải phân cách mở rộng lòng đường trên các tuyến Vành đai: 2 và 3 có tổng mức đầu tư khoảng 126 tỷ đồng; đều được lấy từ nguồn vốn Sự nghiệp kinh tế, ngân sách TP.