Hà Nội: Cận cảnh 2 tòa chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm cấp D

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, nhiều tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là khi Hà Nội đang bước vào mùa mưa.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các đô thị trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ (tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn) được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 1 triệu hộ dân đang sinh sống.
Riêng tại Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, trong đó, có 179 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chất lượng cấp C, cấp D). Phần lớn chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992, tập trung tại các quận nội thành và khu vực nội đô lịch sử, đến thời điểm này đã xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hại nặng, nguy hiểm đối với người sử dụng, nhưng tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ rất chậm trễ do cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại 2 chung cư G6A, G6B thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình được liệt vào loại D (nguy hiểm nhất, khả năng chịu lực kém) cần phải được sửa chữa, nâng cấp. 
Cụ thể, khu G6B đã có dấu hiệu bị nghiêng sang bên phải và được xếp vào 42 chung cư cũ cần phải di dời khẩn cấp do UBND TP Hà Nội công bố năm 2016. 
Tòa G6A có đề bảng thông báo của UBND phường Thành Công về việc đánh giá mức độ an toàn của hai chung cư đã được xác nhận và giám định từ Bộ Xây dựng năm 2015.
Dọc cầu thang bộ của tòa G6B đã xuất hiện sự bong tróc, các mảng tưởng bị nứt vỡ, thường xuyên có nước ứ đọng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất là khi Hà Nội đang vào mùa mưa bão. 
Tường nhà cũng đã bong tróc thành từng mảng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn, đây là một tín hiệu tốt trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm tái thiết, phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kinh phí để triển khai thực hiện là sử dụng nguồn kinh phí ứng trước của các quận, huyện, thị xã (việc hoàn trả kinh phí đã ứng trước được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật, tính trong chi phí thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ sau khi được phê duyệt); nguồn nhân lực để thực hiện là nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần