Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: cần khắc phục hạn chế trong lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng thực phẩm. Kết quả triển khai chỉ ra nhiều vấn đề cần được khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.

Phát hiện nhiều mẫu không đạt chất lượng

Huyện Thanh Oai hiện có 1.923 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đây cũng là địa phương có tốc độ phát triển các ngành nghề chế biến thực phẩm nhanh, chủ yếu là miến, giò, chả, bún bánh…

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, bên cạnh thành lập những đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, huyện Thanh Oai tập trung chỉ đạo lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm. Theo đó, trong tổng số 653 mẫu thực phẩm được lấy xét nghiệm nhanh, cơ quan chức năng xác định có 17 mẫu không đạt chỉ tiêu hoá lý.

Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tại huyện Quốc Oai.
Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tại huyện Quốc Oai.

Tại huyện Quốc Oai, công tác lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm cũng được thực hiện dù với số lượng mẫu còn rất khiêm tốn. Trong tổng số 17 mẫu được phân tích, đánh giá chất lượng, cơ quan chức năng xác định có 2 mẫu không đạt chỉ tiêu theo quy định về an toàn thực phẩm khi xét nghiệm nhanh.

Không chỉ tại 2 huyện Thanh Oai và Quốc Oai, kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại nhiều quận, huyện, thị xã cũng cho ra kết quả đáng lo ngại. Khi tiến hành xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu thực phẩm chưa đáp ứng được các chỉ tiêu về hoá lý, vi sinh. Điều này cho thấy chất lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng khi không may sử dụng.

Xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm

Thực tế cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm được TP Hà Nội hết sức quan tâm, chỉ đạo. Sau khi có kế hoạch của Trung ương, Hà Nội là một trong những địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, kéo dài từ ngày 15/4 - 15/5/2024.

Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức của các cấp chính quyền, chủ thể sản xuất, kinh doanh và người dân đối với vấn đề an toàn thực phẩm, TP đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm. 

Lấy mẫu kiểm nghiệm là giải pháp quan trọng nhằm cảnh báo sớm nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Lấy mẫu kiểm nghiệm là giải pháp quan trọng nhằm cảnh báo sớm nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Mặc dù vậy, việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các địa phương trên thực tế có sự khác nhau về “mức độ chú trọng”; có địa phương lấy hàng ngàn mẫu, có nơi lại chỉ lấy vài trăm, thậm chí ít hơn. Cá biệt có địa phương như huyện Chương Mỹ, cho đến đầu tháng 5/2024, vẫn chưa thực hiện công tác lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm.

Tại nhiều địa phương, việc lấy mẫu chủ yếu được thực hiện ở tuyến huyện (như ở huyện Thạch Thất), nhưng tại huyện Thanh Oai thì việc lấy mẫu chủ yếu thực hiện ở tuyến xã. Đặc biệt, hầu hết các địa phương hiện vẫn tập trung lấy mẫu xét nghiệm nhanh, trong khi việc lấy mẫu xét nghiệm tại labo còn rất hạn chế…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 tại các địa phương, đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội chủ trương thực hiện nghiêm túc. Nhiều cơ sở có vi phạm đã bị đoàn lập biên bản, giao lại cho chính quyền địa phương và đề nghị xử phạt hành chính.

Không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà từ nay đến cuối năm 2024, ông Nguyễn Đình Hoa đề nghị các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm; thu hồi, tiêu huỷ sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm. 

 

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thực ăn đường phố. Triển khai kế hoạch về Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, Hà Nội đã thành lập 4 đoàn liên ngành cấp TP để tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại các địa phương; thời gian từ ngày 15/4 - 15/5/2024.