Nhiều quận, huyện cũng đang nghiên cứu tiếp tục mở các tuyến phố, không gian đi bộ để giảm tải cho vùng trung tâm TP. Tuy nhiên, để hình thành tuyến phố đi bộ không đơn giản là việc ngăn đường cấm xe mà cần tạo ra không gian văn hóa đúng nghĩa cho người dân.
Điểm đến của những thương hiệu văn hóaPhó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, nơi đây đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. Ở đó không chỉ đong đếm bằng các sự kiện nhiều theo cấp số nhân, mà còn ở quy mô và chất lượng tổ chức. Nếu như năm đầu tiên triển khai, Hà Nội phải hỗ trợ, kêu gọi các đơn vị nghệ thuật biểu diễn lên chương trình, đảm bảo kín lịch ở các khu vực trước cổng đền Bà Kiệu, tượng đài vua Lê, khu nhà Bát Giác…; thì đến nay các nhóm nhạc từ trong nước và nước ngoài tự nguyện đề xuất được xếp lịch biểu diễn. Chưa kể, ngoài các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai… mang bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc giới thiệu đến du khách và người dân Thủ đô; các lễ hội hoa anh đào Hà Nội – Nhật Bản, Lễ hội văn hóa Tây Âu, hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert đã trở thành thương hiệu văn hóa.
Nếu các nhà quản lý quan tâm đến nâng cao chất lượng cuộc sống con người thì Hà Nội không thiếu địa điểm và ý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành TP đi bộ. KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội |
Theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi triển khai không gian đi bộ, lượng khách du lịch đến với Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung càng tăng trưởng nhanh. Thống kê cho thấy, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm tại không gian đi bộ trung bình ban ngày khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người. Đặc biệt, vào những thời điểm không gian đi bộ diễn ra sự kiện lớn hoặc vào các dịp lễ lớn của Thủ đô và đất nước, khu vực này trở nên quá tải.
Chính vì vậy, ông Phạm Tuấn Long cho biết, trong thời gian tới, quận sẽ đề xuất mở rộng tuyến phố đi bộ lên phố Gia Ngư (phường Hàng Bạc) hoặc phố Tràng Tiền đến quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Ngoài ra, sau khi hoàn thành dự án đục thông 131 vòm cầu cạn phố Phùng Hưng, quận sẽ xây dựng kế hoạch để biến nơi đây thành tuyến phố đi bộ vào mỗi dịp cuối tuần, không chỉ dừng lại là không gian đi bộ theo dịp lễ ở phố bích họa như hiện nay.
|
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Chiến Công |
Giấc mơ là thành phố đi bộNgoài thời gian ban ngày nắng nóng, thì vào khung giờ từ 18 - 22 giờ tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, phố đi bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cần gần như quá tải. Lượng người đông đúc không chỉ ở nơi diễn ra các sự kiện lớn như khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, khu vực tượng đài vua Lê và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; mà trên các con phố Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng lúc nào cũng đông đúc người đi bộ. Chị Hoàng Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đã hơn một năm nay, tôi không còn thói quen dạo phố đi bộ quanh Hồ Gươm vào các dịp cuối tuần hay lễ Tết. Bởi nơi đây đã quá đông người, âm thanh hỗn độn nên cảm giác mệt mỏi hơn là thư thái”.
Vấn đề hạ tầng của phố đi bộ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cụ thể là những điểm trông giữ xe để tập kết phương tiện vào khu vực phố đi bộ, thậm chí phải chuẩn bị cho cả những nhu cầu sẽ phát triển trong tương lai để phát triển một cách bền vững. Thứ hai là cần quan tâm xây dựng những điềm dừng, nghỉ lồng ghép với không gian hiện tại để tạo ra sự phục vụ tốt nhất với nhu cầu của người dân và khách du lịch. KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam |
Trước những vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động của tuyến phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã quán triệt lực lượng bảo vệ tăng cường kiểm tra xử lý, đặc biệt là chấn chỉnh các chốt vòng ngoài, không để đối tượng kinh doanh hàng rong vào khu vực phố đi bộ. Riêng với những trường hợp người nước ngoài biểu diễn xin tiền, có những người tái phạm nhiều lần vì họ coi là một nghề. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, Cục Quản lý xuất nhập cảnh để tìm hiểu nơi lưu trú, quá trình nhập cảnh để có hướng giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, xem ra đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời giải quyết những mặt hạn chế của phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Hà Nội vẫn cần những giải pháp dài hơi hơn để giảm tải cho không gian văn hóa khu trung tâm này.
Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh, người dân nơi cư trú sẽ hưởng thụ thường xuyên các hoạt động văn hóa diễn ra trong vòng bán kính 1 - 3km. Nghĩa là, một cư dân ở quận Cầu Giấy, hay Nam Từ Liêm Bắc Từ Liêm sẽ không thể thường xuyên lên không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận. Chính vì vậy, Hà Nội đã mở thêm tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) và đang nghiên cứu xây dựng tuyến phố đi bộ Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân).
Ngoài ra, theo KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: Nơi nào cũng có thể tạo nên những không gian phù hợp phát triển tuyến phố đi bộ. Ví dụ như Hà Đông có công viên hai bên bờ sông Nhuệ. Đông Anh có khu Cổ Loa. Những dải cây xanh ven hồ, sông Tô, sông Nhuệ (nếu có đầy nước sạch) sẽ là nơi hấp dẫn cho hàng triệu người. Ngoài ra, KTS Trần Huy Ánh cũng ủng hộ việc Hà Nội tạo ra con đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp ven bờ sông Tô Lịch. “Đó là sự nỗ lực của Hà Nội vì một môi trường sống tốt hơn cho người dân Thủ đô” – KTS Trần Huy Ánh bày tỏ. Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh mong muốn cần cải tạo, khơi thông dòng sông, giảm ô nhiễm, trồng thêm cây xanh giữa các dải phân cách giữa hai dòng phương tiện để giảm khói bụi, mùi hôi thôi cho người đi bộ.