Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cắt bỏ những tuyến buýt kém hiệu quả

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Hoàng Trung khẳng định, năm 2019, đơn vị sẽ rà soát, cắt bỏ những tuyến buýt hoạt động kém hiệu quả.

Năm 2018, Transerco đã mở mới nhiều tuyến buýt kết nối ngoại thành Hà Nội, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết, hiện Transerco đang phải nỗ lực rất nhiều.
Lãnh đạo Transerco chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, khi giá vé xe buýt không còn là một lợi thế cạnh tranh, cùng với đó, việc tiếp cận xe buýt cũng ngày một khó khăn hơn khi hạ tầng vẫn đang xây dựng thì việc tiếp tục duy trì sản lượng khách đi xe buýt năm sau tăng hơn năm trước là một nhiệm vụ đầy thách thức.
Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam thông tin thêm, năm 2018, doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 2.878 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 61,1 tỷ đồng, hiệu quả (khấu hao + lợi nhuận) đạt 338 tỷ đồng.
Transerco đã tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, cắt giảm các chi phí để giữ ổn định và quyết tâm thực hiện tốt vai trò chủ lực trong hoạt động xe buýt. Transerco cũng phát triển thêm các tuyến buýt mới nhằm mở rộng vùng phục vụ, tăng cường kết nối các xã, huyện của Hà Nội mở rộng đến các đầu mối giao thông TP; đưa vào sử dụng hệ thống thẻ vé điện tử thí điểm trên tuyến buýt nhanh BRT giúp thống kê lưu lượng, thói quen đi lại của hành khách…
Cụ thể, trong năm 2018, Transerco đã mở thêm nhiều tuyến buýt mới nhằm mở rộng vùng phục vụ, tăng cường kết nối các xã, huyện của Hà Nội mở rộng đến các đầu mối giao thông TP. Cụ thể, trong quý I/2018, Transerco đã mở mới tuyến buýt số 108 Bến xe Thường Tín - Minh Tân (huyện Phú Xuyên); Tháng 10/2018 mở thêm tuyến buýt số 109 kết nối bến xe Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; cuối tháng 12 mới đây, Transerco đã đồng loạt khai trương 4 tuyến buýt mới gồm tuyến số 110 (Sơn Tây - Đá Chông), 111 (Sơn Tây - Bất Bạt); 112 (Bắc Thăng Long - Bệnh viện ĐK Mê Linh) và 113 (Bến đò Vườn chuối - Đại Thắng, Phú Xuyên).
Ngoài ra, Transerco hoàn thành đầu tư mới 176 phương tiện tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thay thế các phương tiện cũ và phục vụ kế hoạch mở các tuyến buýt mới; rà soát bổ sung các tính năng cho hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành, chăm sóc hành khách; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về thái độ phục vụ, vi phạm doanh thu, chất lượng phương tiện…
Thẻ vé điện tử liên thông đang được thí điểm trên tuyến buýt BRT 01 và sẽ nhân rộng ra toàn hệ thống xe buýt.
“Trong điều kiện chi phí hoạt động buýt cắt giảm, các chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng, đặc biệt là lãi vay tăng mạnh khi đầu tư thêm nhiều phương tiện mới, tuy nhiên, Transerco vẫn ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt theo chỉ đạo của TP, tiếp tục mở thêm 7 tuyến xe buýt, đổi mới phương tiện… Nhờ vậy, mạng lưới xe buýt Hà Nội ngày càng hoàn thiện tính kết nối và mở rộng” - ông Nam thông tin.
Trong năm 2019, Transerco sẽ tiếp tục sắp xếp, tối ưu hóa luồng tuyến, tần suất khi tuyến đường sắt đô thị 2A đi vào khai thác thương mại và theo lộ trình phát triển xe buýt đến năm 2020. Đặc biệt, những tuyến buýt kém hiệu quả Tổng công ty sẽ xem xét, kiến nghị giải thể.
Đi đôi với phát triển xe buýt là phải đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng dịch vụ. Các đơn vị duy trì các biện pháp tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là về thái độ phục vụ, kỷ luật chạy xe và chấp hành pháp luật về giao thông.
Khai thác hiệu quả các hệ thống công nghệ đã đầu tư để hỗ trợ quản lý điều hành, kiểm soát chất lượng; Đẩy mạnh các biện pháp quản trị, tái cơ cấu để tối ưu hóa chi phí, tăng cường kiểm soát thực hiện kế hoạch ngân sách của các đơn vị hoạt động buýt.
Đặc biêt, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết, Transerco đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án nhân rộng mô hình Thẻ vé điện tử liên thông trên tất cả các tuyến buýt do đơn khai thác, vận hành.