Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chăm lo cho người có uy tín vùng dân tộc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận thức vai trò, ý nghĩa của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách để người có uy tín phát huy vai trò.

Đảm bảo chế độ, chính sách cho người có uy tín

Việc nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác dân tộc cho người có uy tín được xem là vấn đề hết sức quan trọng. Cũng bởi vậy, hàng năm, Ban Dân tộc TP thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nhóm đối tượng này. Từ năm 2011 - 2021, 1.414 lượt người có uy tín được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao tặng bằng khen, ghi nhận đóng góp tích cực của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao tặng bằng khen, ghi nhận đóng góp tích cực của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì), cho biết, thông qua các lớp tập huấn và học tập kinh nghiệm, bản thân ông có thêm nhiều thông tin, kiến thức bổ ích. Để từ đó, bằng uy tín và trách nhiệm của mình tham gia vận động đồng bào thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hàng năm, Ban Dân tộc TP và UBND các huyện thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; người có uy tín không may bị ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh viện; gia đình người có uy tín gặp khó khăn... Đặc biệt, cuối năm 2021, Ban Dân tộc TP đã tham mưu UBND TP thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín.

Để khuyến khích, động viên người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc, hàng năm, Ban Dân tộc TP hướng dẫn UBND các huyện bình xét, suy tôn người có uy tín tiêu biểu đề nghị các cấp khen thưởng. Từ năm 2011 - 2021, đã có 449 lượt người có uy tín được các cấp bộ ngành T.Ư và TP khen thưởng…

Tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò

Đánh giá chung 10 năm triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2021, TP đã quan tâm và kịp thời chỉ đạo các cấp, ban ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ để thực hiện đầy đủ chế độ đối với người có uy tín. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của người có uy tín tại cơ sở.

Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Phúc Hải cho biết, thực tế đã khẳng định, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. “Thời gian tới, Ban Dân tộc TP sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương làm tốt trình tự, thủ tục bình chọn, xét công nhận người có uy tín hàng năm. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và giao nhiệm vụ phù hợp để người có uy tín phát huy vai trò của mình trong cộng đồng...” - ông Nguyễn Phúc Hải chia sẻ.

Nhấn mạnh việc quan tâm và thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín là hết sức cần thiết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, vừa qua, HĐND TP đã ban hành nghị quyết chuyên đề quy định chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín. Số tiền hỗ trợ tuy chưa nhiều, song thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của TP đối với những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của người có uy tín.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp phải luôn nhận thức đúng vị trí, vai trò của người có uy tín; từ đó thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP đối với người có uy tín. Phấn đấu xây dựng đội ngũ người có uy tín có đủ sức khỏe, phẩm chất, năng lực, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để người có uy tín hoạt động.