Theo đánh giá của Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, hiện một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa ý thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC.
Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định phát biểu tại Hội nghị |
“Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chưa có kỹ năng ứng phó với hoả hoạn, hạ tầng xã hội còn không ít bất cập, công tác tuyên truyền, phổ biến giao dục pháp luật về PCCC chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Dẫn đến những hệ luỵ trực tiếp là vẫn xảy ra nhiều vụ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng” - Thiếu tướng Định nhìn nhận.
Xuất phát từ thực tế đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành liên tiếp 3 kế hoạch số: 128/KH - UBND, 183/KH - UBND, 209/KH - UBND nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác PCCC.
Kế hoạch số 128/KH - UBND, ban hành ngày 1/6, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội với 6 nội dung chính: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác PCCC, làm tốt công tác PCCC, ngăn ngừa, hạn chế các vụ cháy lớn có thể xảy ra; Rà soát, chấn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác PCCC; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC; Xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; Xây dựng phương án, cơ chế vận hành để huy động tối đa nguồn lực trong xử lý các tình huống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Kế hoạch số 209/KH – UBND, ban hành ngày 7/8, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 05/2017/NQ – HĐND của HĐND TP Hà Nội về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP. Nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong kế hoạch là khảo sát, thống kê, lập danh sách các cơ sở, đánh giá việc thực hiện quy định về PCCC, đề xuất biện pháp khắc phục nếu chưa đạt yêu cầu.
Kế hoạch số 183/KH – UBND, ban hành ngày 18/9, tập trung vào công tác kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; cơ sở sản xuất, kho hàng hoá xen kẽ trong khu dân cư. Nhóm đối tượng nêu trên được coi là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nhất nếu xảy ra sự cố cháy nổ, cần được kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.
Với việc ban hành 3 Kế hoạch cụ thể, chi tiết, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đến từng ban ngành, địa phương, UBND TP Hà Nội đã đặt quyết tâm nâng cao hiệu quả một cách toàn diện công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô.