Hà Nội chỉ đạo tập trung ứng phó mưa lũ do bão số 2

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, chiều 22/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có Công điện số 02/CĐ-BCH gửi các sở ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo tập trung ứng phó.

Mực nước sông Hồng dự kiến sẽ lên cao trong những ngày tới.
Mực nước sông Hồng dự kiến sẽ lên cao trong những ngày tới.

Theo Công điện số 02/CĐ-BCH, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ đêm ngày 22/7, tại Hà Nội sẽ có gió mạnh dần lên cấp 3 - 4, giật cấp 6. Từ chiều ngày 22/7 đến ngày 24/7, trên địa bàn TP có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 120mm, có nơi trên 150mm.

Số liệu quan trắc cho thấy, hiện nay, mực nước trên các sông và hệ thống kênh mương thuỷ lợi của Hà Nội đang ở mức cao. Cá biệt mực nước trên sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan và Vĩnh Phúc đã đạt báo động I từ 17 giờ chiều qua (21/7); trong khi mực nước sông Nhuệ cũng lên trên báo động I, ở mức 4,15/4,13m.

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ do hoàn lưu của bão trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các sở ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh.

Các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kịp thời ứng phó sự cố, thiên tai, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tập trung rà soát các điểm ngập úng cục bộ, sẵn sàng phương án tiêu thoát nước đô thị. Sở NN&PTNT Hà Nội và các doanh nghiệp thuỷ lợi vận hành linh hoạt hệ thống tiêu nước đệm chống úng ngập vùng trũng thấp, diện tích canh tác nông nghiệp…

Đối với Sở TN&MT Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị chỉ đạo tăng cường rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu và các kỹ năng xử lý tình huống, ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.