Hà Nội: Chỉ một học sinh đi học trực tiếp, nhà trường xử lý ra sao?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng sớm 7/12, tại trường THCS Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên khi tiến hành đo thân nhiệt đã sàng lọc được một học sinh lớp 9 dương tính SARS-CoV-2. Rồi học sinh trường THCS Minh Cường, huyện Thường Tín từ đối tượng nghi nhiễm thành đối tượng nhiễm Covid-19... là những tình huống các thầy cô giáo ở các trường học tại Hà Nội đang phải đối mặt.

Quen dần với tin báo trường có học sinh là F0
Khi học sinh đi học trực tiếp, một trong những vấn đề xã hội lo ngại là phát hiện F0 tại trường. Trước tình hình trên, liên Sở Y tế- GD&ĐT đã có văn bản Hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch Covid-19 khi có trường hợp F0, nghi ngờ F0, F1, F2 tại trường học.
Và tình huống đó đã xảy ra tại trường THCS Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội vào ngày 7/12. Theo Ban giám hiệu nhà trường, sáng 7/12, học sinh khối 9 của trường vẫn đi học bình thường theo thời khóa biểu. Sáng hôm đó, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A nhận được tin nhắn của gia đình em Đ.A.T (trú tại tại thôn Hạ Giáp, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) xin cho em nghỉ học. Trưa cùng ngày, tiếp tục gia đình em Đ.A.T báo đến trường: “Em thuộc đối tượng nghi nhiễm Covid- 19”, sau đó là tin “Em Đ.A.T chính thức trở thành F0”.
 Trường THCS Minh Cường, huyện Thường Tín cho học sinh lớp 9 tạm dừng đến trường sau khi phát hiện có học sinh là F0
Hiệu trưởng trường THCS Minh Cường Vũ Thị Thúy Hằng chia sẻ, sau khi học sinh Đ.A.T có kết quả dương tính SARS-CoV-2, lực lượng chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, lớp học; trường lập tức ra thông báo và cho 150 học sinh toàn khối 9 tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến từ ngày 8/12. Bên cạnh đó, nhà trường và cơ quan y tế tiến hành rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của 43 học sinh liên quan; tất cả cho kết quả âm tính. Hiện các học sinh của lớp 9A được theo dõi, cách ly tại nhà; gia đình - nhà trường phối hợp chặt chẽ trong việc báo cáo, cập nhật tình hình hàng ngày của các em. “100% học sinh khối 9 đã tiêm mũi 1 ngừa Covid- 19; mặt khác do được tuyên truyền và có sự chuẩn bị tinh thần từ trước nên khi em Đ.A.T là F0 nhà trường, phụ huynh và học sinh đều giữ thái độ bình tĩnh”- cô Vũ Thị Thúy Hằng cho biết.
Tương tự, trường THCS Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cũng mới phát hiện một trường hợp nam sinh lớp 9 mắc Covid-19. Cụ thể, sáng 7/12, tại khu vực cổng trường THCS Tri Thủy, cán bộ y tế học đường tiến hành đo thân nhiệt đã phát hiện một nam sinh lớp 9 có biểu hiện sốt nên đưa đi test nhanh, kết quả dương tính SARS-CoV-2. Sau khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, nam sinh được chuyển đến Trạm y tế lưu động xã Tri Thuỷ để tiến hành điều trị. Phía nhà trường đã cho hơn 100 học sinh khối 9 tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Qua rà soát, xét nghiệm nhanh, toàn bộ người trong gia đình và bạn cùng lớp của nam sinh trên đều có kết quả âm tính.
Có một học sinh, trường vẫn mở cửa
Trong khi hơn 200 trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP có số học sinh đi học khá đầy đủ (từ 90% trở lên), thì trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, số học sinh đi học trực tiếp rất ít. Trường có 15 lớp với 681 học sinh, ngày đầu có 33 học sinh đến lớp; ngày thứ hai, con số này là 9; ngày thứ ba có 27 học sinh; ngày thứ tư chỉ có 1 học sinh đến trường. Đến ngày thứ năm (10/12), số học sinh đi học đã tuy đông hơn, nhưng vẫn lác đác.
Việc học sinh khối 12 của trường THPT Trần Nhân Tông đi học trực tiếp với số lượng ít như vậy là điều ban giám hiệu nhà trường đã dự liệu từ trước. Nguyên nhân chính được xác định bởi nhiều học sinh của trường cư trú ở vùng dịch cấp độ 3 (phường Phố Huế), ở khu cách ly, phong tỏa hay thuộc diện F0, F1, F2. Tuy nhiên, nhà trường vẫn triển khai dạy trực tiếp bình thường; song song với đó là dạy trực tuyến cho những học sinh không đến lớp.
 Sáng 10/12, có lác đác học sinh khối 12- trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng đến trường
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Vũ Thị Hậu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Dù chỉ có một học sinh đi học trực tiếp thì công tác dạy học của nhà trường cũng không có gì trở ngại bởi 100% lớp học của trường có máy chiếu, hệ thống đường truyền internet tốc độ cao với  bộ phát wifi mắc vào từng lớp. Các ngày có lịch học trực tiếp, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các bộ phận liên quan đến trường thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi có tiết trực tiếp, các thầy cô đến lớp, ngồi trên bục giảng dạy trực tiếp cho những học sinh đến trường, những học sinh không đến lớp sẽ được kết nối trực tuyến qua máy chiếu".
Sau khi nắm bắt tình hình trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá rất cao các trường dù có ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh; trong đó có cách làm của trường THPT Trần Nhân Tông. Tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT sáng 8/12, Sở GD&ĐT đã quán triệt, chỉ đạo hiệu trưởng các trường cần một mặt tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về công tác phòng, chống dịch của nhà trường để giúp phụ huynh yên tâm; mặt khác phải giúp gia đình và học sinh hiểu sự cần thiết của việc đi học trực tiếp. Hiệu quả của việc đi học trực tiếp cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc ở trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và học sinh vẫn còn e ngại đến trường trực tiếp.
Việc tổ chức cho học sinh lớp 9 ngoại thành và học sinh lớp 12 tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP đi học trực tiếp là cần thiết; đã được TP xem xét thận trọng, kỹ lưỡng dựa trên tinh thần lắng nghe ý kiến của phụ huynh và đề nghị của các nhà trường. Sau thời gian thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến của dịch tại các địa phương và đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế sẽ có báo cáo và trình UBND TP lộ trình tiếp theo việc cho học sinh các cấp trở lại trường và luôn bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm tổ chức cho học sinh khối 9 và khối 12 trên địa bàn TP học trực tiếp, đến nay đã có 64.000 học sinh đến trường an toàn. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi; chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh; đồng thời quản lý chặt chẽ kỷ luật, nền nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học. 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần