Theo Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Khuất Văn Thành, đầu năm 2019 toàn TP có 23.289 hộ nghèo, với 64.213 nhân khẩu, chiếm 1,16% tống số hộ dân toàn TP.
Trong đó có 13.512 hộ không có khả năng thoát nghèo do trong hộ có đối không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; 226 hộ nghèo có trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng; 4.686 hộ nghèo có người cao tuổi cô đơn; 2.608 hộ nghèo có người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; 2.115 hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo; 3.370 hộ nghèo có người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội khác; 1.392 hộ nghèo không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động. Đây là các hộ nghèo diện đặc biệt khó khăn, không có khả năng vươn lên lao động thoát nghèo, luôn cần hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ hàng tháng.
Vì vậy, ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững TP Hà Nội là rất cần thiết để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2019 TP cơ bản không còn hộ nghèo.
Đối tượng áp dụng chính sách này là người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo.
Thành viên thuộc hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo; người khuyết tật nặng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.
UBND TP đưa ra 4 chính sách giảm nghèo bền vững. Đó là: Thứ nhất, hỗ trợ hàng tháng đối với nhóm đối tượng là người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiếm nghèo (HIV, ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 và các bệnh hiếm nghèo khác theo quy định của cơ quan y tế). Các đối tượng này là thành viên thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo mà trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có người còn khả năng lao động.
Mức hỗ trợ hàng tháng áp dụng bằng mức chuẩn nghèo của TP Hà Nội (khu vực thành thị: 1.400.000 đồng/người/tháng; khu vực nông thôn: 1.100.000 đồng/người/tháng). Mức trợ cấp hàng tháng sẽ được điều chỉnh tương ứng khi chuẩn nghèo của TP thay đổi.
Thứ hai, hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng là thành viên thuộc hộ gia đình nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng sau khi hộ gia đình thoát cận nghèo.
Thứ ba, hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kế cả học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tể không quá 9 tháng/năm học, tối đa không quá 03 năm học sau khi hộ gia đình thoát nghèo.