Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội đã đạt những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội trên địa bàn Thủ đô. Điều này thể hiện ở kết quả xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 14/2023/NĐ-HĐND đã đạt 100% kế hoạch.
Các địa phương đã ban hành kế hoạch về công tác giảm nghèo để triển khai thực hiện; đồng thời tích cực tham mưu đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo trong tình hình mới. Dự kiến đến nay, toàn TP có 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, trong đó có 5 quận không còn hộ cận nghèo.
9 tháng, toàn TP Hà Nội có trên 203.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được chi trả kinh phí hơn 1.326 tỷ đồng.
Các cơ sở trợ giúp xã hội của TP thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.016 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ khác. Đồng thời, các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận 201 đối tượng bảo trợ xã hội. Các trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận 394 người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền vào quản lý, nuôi dưỡng.
Từ đầu năm đến nay, TP đã hỗ trợ đột xuất đối với gia đình của 38 nạn nhân với tổng số tiền 865,2 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ gia đình 25 nạn nhân bị tử vong do hỏa hoạn, sạt lở đất số tiền 650 triệu đồng; hỗ trợ 8 nạn nhân bị thương do hỏa hoạn 184,2 triệu đồng; hỗ trợ 7 nạn nhân bị thương do bạo lực, xâm hại tình dục và tai nạn giao thông 31 triệu đồng.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, công tác hỗ trợ đột xuất được tham mưu kịp thời, góp phần làm dịu những mất mát, rủi ro mang lại đối với người dân.
Những tháng cuối năm, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện chính sách, giải pháp giảm nghèo, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch giảm 380 hộ nghèo. Cùng với đó, tiếp tục triển khai công tác tập trung người lang thang; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo trợ xã hội, tham mưu thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất...