Kinhtedothi - Tình hình thế giới, khu vực trong những năm qua diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặt ra nhiều thời cơ và thách thức to lớn cùng tồn tại đan xen.
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã và đang chủ động, tích cực hội nhập mở rộng hợp tác quốc tế với mong muốn trở thành bạn và đối tác tin cậy của tất cả các Thủ đô, TP lớn trên thế giới, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Với vai trò là Thủ đô - đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi diễn ra phần lớn hoạt động đối ngoại của Nhà nước, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách một TP mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước, trong đó có công tác hội nhập quốc tế.
Đối ngoại chính trị
Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 Thủ đô, TP lớn trên thế giới; trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, TP các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội cũng tham dự tích cực tại các diễn đàn đa phương như Mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21); Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á - Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các TP nói tiếng Pháp; Hiệp hội các TP có lịch sử lâu đời. Hà Nội cũng duy trì quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Nội, các tổ chức tài chính tiền tệ như: WB, IMF, ADB, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…
Hàng năm, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp trên dưới 250 lượt khách quốc tế đến làm việc, tăng cường quan hệ hữu nghị và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với Hà Nội. Bên cạnh các đoàn đại biểu cấp cao đi thăm hữu nghị và thiết lập quan hệ hợp tác chính trị với các đối tác, nhiều lượt cán bộ các cấp của TP và DN đi công tác nước ngoài, nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý xã hội, giáo dục đào tạo, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thể dục thể thao.
Riêng trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội đã tổ chức 19 đoàn đại biểu do lãnh đạo TP dẫn đầu đi thăm, làm việc song phương và tham dự các hội nghị đa phương; đón tiếp 32 đoàn lãnh đạo cấp cao các Thủ đô, TP các nước sang thăm, qua đó gặt hái được nhiều kết quả quan trọng:
Quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng được thúc đẩy, đóng góp vào công tác đối ngoại quốc gia: Quan hệ với Viêng Chăn và các địa phương của Lào cũng như quan hệ với Thủ đô Phnom Pênh – Campuchia được tăng cường thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo và hoàn tất việc tài trợ dự án xây dựng ký túc xá trường Chính trị - hành chính Viêng Chăn và tài trợ 2 triệu USD để xây dựng trường Tiểu học Daun Penh cũng như triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hợp tác về nông nghiệp, y tế, đào tạo cán bộ; qua đó góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy chính trị, củng cố tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa ta với Lào và Campuchia.
Đối ngoại kinh tế
Hà Nội tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương của các nước khu vực Đông Bắc Á. Nhật Bản đi đầu trong việc hỗ trợ vốn đầu tư và viện trợ ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, gần đây là các dự án lớn dọc trục đường Nội Bài – cầu Nhật Tân. Hàn Quốc cũng có nhiều dự án đầu tư tại Hà Nội và hiện TP Seoul đang giúp Hà Nội dự án lập Quy hoạch cơ bản phát triển hai bên bờ sông Hồng…
Bên cạnh đó, quan hệ với các nước ASEAN, các đối tác quan trọng như Pháp (Ile de Prance, Toulouse), Hàn Quốc (Seoul, Suwon), Anh (Trung tâm tài chính London), Italia (Roma, Lazio), Đức, Thụy Điển được đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn thông qua nhiều dự án và chương trình hợp tác cụ thể. Những Ngày Hà Nội tại Moscow hay Fukuoka đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên được bạn bè Nga và Nhật Bản đặc biệt mong đợi.
Lãnh đạo TP đã tích cực, chủ động tham gia phát biểu trên nhiều lĩnh vực, khẳng định vai trò quan trọng, tích cực, có trách nhiệm của TP Hà Nội trong các tổ chức quốc tế liên đô thị, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô. Trong khuôn khổ Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hà Nội là một trong ba TP chủ động đề xuất là Thủ đô dẫn đầu dự án hợp tác chung trên trên lĩnh vực cụ thể (trật tự, an toàn xã hội) được lãnh đạo các Thủ đô đánh giá cao.
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ giao phó của các cơ quan T.Ư, Bộ Ngoại giao, Hà Nội đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hậu cần, an ninh… đón tiếp chu đáo và trọng thị nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn đại biểu cấp cao các nước thăm chính thức nước ta; đồng thời tích cực tham gia và đóng góp tích cực vào thành công của nhiều sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Hà Nội. Tiêu biểu như SEAGames 22 năm 2003; Hội nghị cấp cao ASEM 5 năm 2005; Hội nghị cấp cao APEC 2006; năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2010; Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Hội nghị ANMC21 và gần đây nhất là phục vụ tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) thành công rực rỡ.
Đối ngoại văn hóa
TP luôn coi trọng trao đổi, chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần với thế giới; qua đó tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa dân tộc nói chung và cho Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng. Hà Nội có quan hệ chặt chẽ với UNESCO, là TP duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “TP vì Hòa bình” và chọn là một trong 23 địa điểm trên thế giới phát động Năm quốc tế văn hóa hòa bình (1999). UNESCO đã ra nghị quyết tham gia tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào các năm 2000 và 2010; công nhận di sản thế giới đối với khu di tích Hoàng thành - Thăng Long, Lễ hội Gióng; công nhận di sản tư liệu thế giới đối với 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010).
Hà Nội đã hợp tác tốt trong nhiều năm qua với các TP của Pháp trong việc bảo tồn phố cổ và các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội, được quốc tế đánh giá cao và UNESCO mời trình bày chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo quốc tế. Đặc biệt, trong những năm qua, Hà Nội thường xuyên được các tạp chí du lịch có uy tín đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Năm 2014, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng kỷ lục, đạt gần 5,4 triệu lượt, người tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả của những mối quan hệ hợp tác quốc tế đã tạo ra nguồn ngoại lực quan trọng góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô trong nhiều lĩnh vực như quy hoạch và quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, bảo vệ môi trường, giáo dục y tế… Bộ mặt Thủ đô thay đổi phát triển đi lên từng ngày, mức sống và chất lượng sống của người dân từng bước được cải thiện, hỗ trợ phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cùng Đoàn đại biểu Hà Nội trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Mátxcơva trong dịp “Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva” tháng 9/2015.
|