Hà Nội: Chủ động ứng phó với tình hình nguồn nước sản xuất vụ Xuân 2023

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Xuân 2023, công tác chống hạn của Hà Nội dự kiến vẫn còn những khó khăn. Bên cạnh mực nước trên hệ thống sông bị hạ thấp, sự xuống cấp của nhiều trạm bơm chính và tình trạng bồi lắng lòng dẫn đang trở thành vấn đề cấp bách, cần được quan tâm xử lý.

Ngày 15/12, đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị chống hạn cho vụ Xuân 2023. Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là trạm bơm Đan Hoài. Đây là trạm bơm tưới, mới được xây dựng, đưa vào vận hành từ năm 2018. Tuy nhiên, năng lực cấp nước phục vụ sản xuất vụ Xuân rất hạn chế.

Kiểm tra thực tế tại trạm bơm Đan Hoài, đoàn công tác ghi nhận tình trạng lòng dẫn sông Hồng hạ thấp. Khu vực phía ngoài bể hút của trạm bơm, tình trạng bồi lắng đang diễn ra ngày một phức tạp. Đây là hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến năng lực vận hành của các tổ máy.

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra hiện trạng công trình trạm bơm dã chiến Bá Giang. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra hiện trạng công trình trạm bơm dã chiến Bá Giang. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường, so với trạm bơm Đan Hoài, hiện trạng của trạm bơm dã chiến Bá Giang còn đáng lo ngại hơn. Trong bối cảnh trạm bơm Đan Hoài gặp khó trong vận hành, trạm bơm Bá Giang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho hàng ngàn héc-ta canh tác nông nghiệp. Dù vậy, các hạng mục tại trạm bơm này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Liên quan đến khó khăn trong vận hành trạm bơm Đan Hoài, theo tìm hiểu, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 9051/VP-KT giao Sở KH&ĐT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất nạo vét, khơi thông doi cát trên sông Hồng phía ngoài bể hút của trạm bơm này. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị vẫn chưa được thông qua.

Đối với trạm bơm dã chiến Bá Giang, vừa qua Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Văn bản số 3176/SNN-KHTC gửi Sở Tài chính và Sở KH&ĐT Hà Nội, đề nghị thống nhất đề xuất UBND TP cho phép đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm dã chiến Bá Giang, để hỗ trợ cung cấp nước tưới cho trạm bơm Đan Hoài trong bối cảnh mực nước sông Hồng xuống thấp. Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang chờ ý kiến tham góp của hai đơn vị nêu trên.

Lòng dẫn tại trạm bơm Thanh Điềm đang bị bồi lắng, ảnh hưởng đến công tác lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023.
Lòng dẫn tại trạm bơm Thanh Điềm đang bị bồi lắng, ảnh hưởng đến công tác lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023.

Từ khi được đưa vào vận hành, trạm bơm Thanh Điềm đã “giải cơn khát” nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023. Dù vậy, theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn, bước vào vụ Xuân 2023, tình trạng bồi lắng lòng dẫn và các cửa dẫn nước đang khiến công tác chống hạn thêm nhiều nỗi lo.

Khảo sát thực tế hiện trạng tại trạm bơm Thanh Điềm ngày 15/12, bằng mắt thường có thể thấy phần doi cát che khuất một phần dòng chảy vào kênh dẫn nước đến bể hút của trạm bơm. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực lấy nước của trạm bơm, nhất là khi mực nước sông Hồng liên tục hạ thấp trong vụ Xuân những năm gần đây.

Trong khi đó, trạm bơm Ấp Bắc được xây dựng từ năm 1963 đã không thể vận hành lấy nước từ sông Hồng để phục vụ sản xuất vụ Xuân trong rất nhiều năm nay. Trong bối cảnh đó, trạm bơm dã chiến đã được đầu tư lắp đặt. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài vận hành, hệ thống máy móc, trang thiết bị tại trạm bơm dã chiến Ấp Bắc đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều hạng mục tại công trình trạm bơm dã chiến Bá Giang đang bị xuống cấp, cần thiết được đầu tư, nâng cấp.
Nhiều hạng mục tại công trình trạm bơm dã chiến Bá Giang đang bị xuống cấp, cần thiết được đầu tư, nâng cấp.

“Hiện nay, dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm dã chiến Ấp Bắc (huyện Đông Anh) đã được ghi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác chống hạn cho vụ Xuân 2023, đơn vị kiến nghị TP cho phép đầu tư nâng cấp một số tổ máy để nâng cao năng lực vận hành…” - ông Trần Thanh Toàn cho hay.

Theo thông báo của Bộ NN&PTNT, vụ Xuân 2023, sẽ có 2 đợt xả nước hồ chứa thuỷ điện để bổ sung nguồn nước gieo cấy cho 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội). Đây có thể xem là một khó khăn cho Hà Nội, do khung thời vụ của Hà Nội cũng như thói quen của nông dân trên địa bàn TP (thường canh tác muộn hơn các tỉnh, TP khác).

Mặc dù vậy, trên tinh thần chủ động cao nhất, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Phương án số 105/PA-SNN về việc ứng phó với hạn hán, thiếu nước sản xuất vụ Xuân 2023. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác, đi kiểm tra thực tế hiện trạng, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị để thực hiện lấy nước, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân 2023.

Để bảo đảm công tác chống hạn vụ Xuân 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi thường xuyên cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thuỷ văn để chủ động phương án ứng phó với tình hình nguồn nước. Tích cực phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, nhất là những địa phương gặp khó khăn trong công tác lấy nước để kịp thời tháo gỡ, có giải pháp cấp nước phù hợp.

Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp thuỷ lợi, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết sẽ tổng hợp, thống nhất nội dung với các sở ngành có liên quan để đề xuất UBND TP Hà Nội cho ý kiến. Tinh thần chung là tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp thuỷ lợi thực hiện tốt công tác chống hạn vụ Xuân, bảo đảm tiến độ lấy nước chung toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. 

 

Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm có 2 đợt, tổng cộng 12 ngày. Trong đó, đợt 1, từ 0 giờ ngày 6/1 đến 24 giờ ngày 9/1/2023 (4 ngày); đợt 2, từ 0 giờ ngày 1/2 đến 24 giờ ngày 8/2/2023 (8 ngày).