Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 17/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP từ năm 2005 đến nay.

Trong những năm qua, Hà Nội đã xây dựng các chương trình đề án lớn cho công tác BVMT phát triển bền vững, như: Triển khai Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP Hà Nội đến 2010”; Đề án “Quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ”, “Kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm công nghiệp 5 năm “Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020”…
 
 Hà Nội chú trọng công tác bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh phát biểu tại hội nghị.
 
Đến nay, các hồ nội thành Hà Nội đã cơ bản được xử lý môi trường và xây dựng kè chống sạt lở, lấn chiếm như Hồ Tây, Trúc Bạch, Thành Công… Trong đó, các doanh nghiệp đã đóng góp gần 1.000 tỷ đồng thực hiện cải tạo MT theo phương thức xã hội hóa.
 
Riêng sông Tô Lịch, TP đã xây dựng các phương án xử lý MT ô nhiễm, với kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Về rác thải, mỗi ngày TP có 5.500 đến 6.500 tấn rác thải sinh hoạt, đến nay đã cơ bản được xử lý, trong đó 10 quận nội thành 95-100% rác thải sinh hoạt đã được xử lý bảo đảm.
 
Đối với các cơ sở sản xuất, từ năm 2008 đến nay, TP đã xử lý 1.366 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, phạt hơn 16 tỷ đồng.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, TP chỉ đạo, các khu công nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào sản xuất, tuy nhiên, một phận doanh nghiệp chưa coi trọng công tác này. Theo báo riêng ngành CA, 5 tháng đầu 2013, các đơn vị chức năng đã lập biên bản xử lý 480 trường hợp, phạt trên 6 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các làng nghề TP đã nghiên cứu nhiều giải pháp xử lý MT ô nhiễm, nhưng hiệu quả chưa cao.
 
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đề nghị, Đoàn công tác Quốc hội tham gia, nghiên cứu cho giải pháp xử lý ô nhiễm MT làng nghề… cùng với Hà Nội.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn Phan Xuân Dũng đánh giá cao những kết quả trong công tác bảo vệ MT của TP Hà Nội, đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, và là một trong những địa phương hàng đầu cả nước dành nguồn ngân sách lớn cho công tác này (trên 3% GDP của thành phố), đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội hóa được hàng nghìn tỷ đồng để cùng thực hiện. Kết quả, MT Hà Nội được cải thiện tích cực (cả 3 lĩnh vực: MT nước, không khí, xử lý chất thải rắn.
 
Ông Phan Xuân Dũng đề nghị TP tiếp tục, tăng cường tuyên truyền cho người dân và cộng đồng, doanh nghiệp nâng cao ý thức để cùng nhau BVMT; ghi nhận những kiến nghị của TP về cơ chế, chính sách đầu tư nguồn lực, trong đó sớm hướng dẫn ban hành quy chuẩn kỹ thuật về BVMT áp dụng riêng cho TP Hà Nội theo quy định khoản 3, Điều 14 của Luật Thủ đô.