Hà Nội: Chú trọng giám sát những vấn đề “sát sườn” đời sống dân sinh

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện một chức năng quan trọng của cơ quan dân cử, năm nay HĐND TP Hà Nội tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề hướng tới những lĩnh vực thiết thực với đời sống, nhằm phát hiện bất cập trong thực hiện cơ chế chính sách, từ đó kiến nghị những giải pháp khả thi.

Chọn đúng, trúng nội dung thiết thực

Xác định giám sát, khảo sát chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND, các ban và tổ đại biểu HĐND TP đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, HĐND, Thường trực, các ban và tổ đại biểu HĐND TP đã tổ chức 6 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề. Nổi bật là cuối tháng 5, HĐND TP bắt đầu tổ chức 2 đoàn giám sát về thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP, nhận được sự theo dõi của đông đảo cử tri.

Theo Thường trực HĐND TP, lĩnh vực này dù đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của TP nhưng đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; một số cơ quan, đơn vị được giao nhà, đất nhưng quản lý kém, sử dụng sai mục đích, nợ tiền thuê đất, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì giám sát tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì giám sát tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)

Một ví dụ là qua giám sát chuyên đề này mới đây tại Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế và đề nghị lãnh đạo Công ty làm rõ những vấn đề liên quan trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được TP giao, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng quỹ nhà của TP. Đáng chú ý, trong công tác quản lý tài sản công này, có rất nhiều nội dung hạn chế, vi phạm dù đã được chỉ rõ, được HĐND TP và các cơ quan liên quan kiểm tra và kết luận, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, do trách nhiệm trực tiếp của Công ty nhưng còn do trách nhiệm một số sở quản lý nhà nước… Các thành viên Đoàn đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo Công ty thẳng thắn nêu rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện các chỉ đạo của TP.

“Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các quỹ nhà thuộc quản lý, khai thác, vận hành của mình, trước mắt khi đang kiến nghị điều chỉnh quy định của Luật, Công ty cần tăng cường kiểm tra, quản lý, vận hành các quỹ nhà cho hiệu quả hơn; khẩn trương hoàn thành kiểm kê toàn bộ quỹ nhà nhất là quỹ nhà chuyên dùng mà đơn vị đang quản lý, để phân loại tồn tại, vướng mắc, đề xuất cơ quan thẩm quyền và UBND TP xử lý dứt điểm. Cần giao nhiệm vụ cho từng cá nhân phụ trách địa bàn nắm chắc, mới quản lý hiệu tốt”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị.

Qua thực tế đã giám sát tại một số đơn vị như quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội…, Thường trực HĐND TP cũng đề nghị các thành viên Đoàn giám sát chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp, kiến nghị T.Ư, TP để trên địa bàn TP làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP. Đồng thời, tập hợp các kiến nghị của các đơn vị để chuyển đầy đủ đến HĐND, UBND TP, đề nghị tiếp tục giải quyết.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực rất sát sườn đời sống dân sinh được cử tri TP kiến nghị ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri là bảo hiểm xã hội (BHXH). Vì vậy, đầu tháng 6 này, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP bắt đầu tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về BHXH tại các quận, huyện, sở ngành liên quan.

“Ban giám sát nội dung này nhằm nâng cao nhận thức của các địa phương, đơn vị cho rõ ràng, sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của chính sách pháp luật về BHXH và bảo hiểm nói chung, là một trọng tâm chính sách và mục tiêu trong công tác an sinh xã hội của Hà Nội. TP đã có nhiều chương trình, chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030. Trong đó Chỉ thị 09 của Thành ủy đã giao HĐND TP nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển BHXH tự nguyện”- Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Qua giám sát thực tế tại một số địa phương như huyện Phúc Thọ, quận Bắc Từ Liêm mới đây, Đoàn giám sát đã đề nghị các chính quyền địa phương, cơ quan BHXH quận huyện… tổ chức rà soát ngay các chỉ tiêu, mục tiêu về BHXH của năm 2022 và giai đoạn 2022-2025, từ đó đề ra những giải pháp mạnh hơn để đạt và vượt những chỉ tiêu. Đồng thời, tăng cường thực hiện nghiêm công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực BHXH và có phối hợp chặt chẽ liên ngành để rà soát, phát triển các đối tượng về BHXH…

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát chuyên đề ''thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP''  tại quận Thanh Xuân
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát chuyên đề ''thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP''  tại quận Thanh Xuân

Bên cạnh đó, từ giữa tháng 6 này, Ban Pháp chế HĐND TP cũng sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động công an xã trên địa bàn TP Hà Nội, nhằm làm rõ những kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lực lượng công an xã trên địa bàn TP; kiến nghị giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Nội dung giám sát tập trung vào kết quả thực hiện các quy định pháp luật và Nghị định 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về quy định xây dựng công an xã, thị trấn chính quy trên địa bàn TP; kết quả thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy và các kế hoạch, đề án của UBND TP về xây dựng lực lượng công an xã chính quy; việc sắp xếp bố trí công tác và giải quyết các chế độ chính sách liên quan với lực lượng công an xã bán chuyên trách trên địa bàn… 

Không chỉ Thường trực, các Ban HĐND TP chú trọng giám sát chuyên đề, mà các tổ đại biểu HĐND TP, các quận, huyện, thị xã cũng quan tâm hoạt động này. Trong đó, riêng trong quý 1 năm nay, HĐND cấp huyện đã tiến hành 175 cuộc, HĐND cấp xã tiến hành 467 cuộc giám sát, với một số đơn vị điển hình trong hoạt động này có thể kể đến là các quận, huyện Đống Đa, Tây Hồ, Ba Vì, Chương Mỹ…

Quan tâm giám sát nội dung cử tri nhiều lần kiến nghị 

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm, HĐND, các ban và tổ đại biểu HĐND TP sẽ tiếp tục thực hiện hơn 10 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề. Nổi bật là HĐND TP giám sát công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP; Ban Kinh tế-Ngân sách tái giám sát việc quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn TP; Ban Văn hóa-Xã hội khảo sát công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn TP; Ban Đô thị khảo sát về quản lý lòng, hè đường, trông giữ phương tiện trên địa bàn TP và công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch chung ra ngoài khu vực nội thành… Đó đều là những vấn đề cử tri, Nhân dân rất quan tâm, đã kiến nghị ở hầu hết cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND TP.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, để tăng hiệu quả các cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, gần đây, thành phần mời dự đã được HĐND TP mở rộng, gồm đại diện cơ quan cấp trên, các cơ quan chuyên môn cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giám sát... HĐND TP tổ chức giám sát tới tận thôn, tổ dân phố và trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể, nhằm đổi mới cách tiếp cận đơn vị chịu sự giám sát.

Kết luận của nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để Thường trực HĐND TP tổ chức chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân và yêu cầu các cơ quan, chính quyền xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục.

Đặc biệt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ngay từ ban đầu là điều kiện rất thuận lợi để tránh dẫn đến tập trung đông người, vụ việc phức tạp; cũng chính là thực hiện đúng lời hứa của đại biểu cơ quan dân cư đối với cử tri, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Cùng với số lượng thì chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri cần được quan tâm nhất, tránh tình trạng trả lời vòng vo. Do đó, cứ cuối mỗi năm, HĐND các cấp cần tiến hành giám sát lại việc giải quyết toàn bộ các kiến nghị của cử tri, từ đó những kiến nghị nào chính đáng mà chưa được giải quyết thỏa đáng thì phải được đưa ra chất vấn, giải trình.